Nổ tàu ngầm đe dọa hợp tác quân sự Ấn-Nga

Google News

Theo báo chí Nga, vụ nổ tàu ngầm Sindurakshak sẽ gây tổn hại đến quan hệ Nga-Ấn trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự.

Tàu ngầm Sindurakshak của Ấn Độ do Nga chế tạo 
Báo Izvestia của Nga ngày 14/8 dẫn đánh giá của các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn trên tàu ngầm Sindurakshak của Ấn Độ do Nga chế tạo tại cảng Mumbai là do chập điện.
Sự cố trên sẽ gây tổn hại đến quan hệ Nga-Ấn trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự. Mặc dù New Delhi là một trong những đối tác chiến lược chính của Moscow, song có một thực tế là quân đội Ấn Độ ngày càng tìm kiếm mua vũ khí của phương Tây. Người đứng đầu bộ phận phân tích của Viện phân tích chính trị và quân sự, ông Alexander Khramchikhin, nói: “Ấn Độ ngày càng đặt ra các yêu cầu khắt khe. Ấn Độ đã đứng trong đội ngũ các cường quốc lớn và có quyền lựa chọn các nhà sản xuất thiết bị quân sự hàng đầu trên thế giới”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Roudik Iskuzhin cho biết Nga đang nhanh chóng đánh mất thị trường vũ khí Ấn Độ. Trong tương lai gần, tỷ trọng vũ khí Nga tại thị trường này có thể giảm từ 75% như hiện nay xuống còn 50%.
Trong 20 năm qua, quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước không mấy suôn sẻ. Ví dụ dễ thấy nhất là tàu sân bay Đô đốc Gorshkov mà Ấn Độ đổi tên thành Vikramaditya. Theo dự kiến ban đầu, chiếc tàu này cần được đưa vào biên chế Hải quân Ấn Độ năm 2008, song cho tới nay nó vẫn đang được kiểm nghiệm. Vào cuối tháng 8 này, con tàu mới được kiểm nghiệm về khả năng cất cánh và hạ cánh trên boong tàu. Và hy vọng vào cuối năm nay, còn tàu sẽ được giao cho Ấn Độ. Tuy nhiên, chẳng ai dám đảm bảo mọi việc sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Một ví dụ khác là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân K-152 Nerpa mà Ấn Độ thuê và đổi tên thành Chakra vào đầu năm 2012. Thương vụ này chậm 5 năm.
Trong khi đó, New Delhi đang lo tụt hậu so với hạm đội của Bắc Kinh. Theo lời của quan chức Ủy ban Đối ngoại Ấn Độ Vikash Rapzhana, Trung Quốc đã sở hữu tàu sân bay theo đúng nghĩa, nên việc tăng cường sức mạnh của Hải quân Ấn Độ là vấn đề an ninh quốc gia.
Chuyên gia về buôn bán vũ khí của Trung tâm Nghiên cứu chính trị Nga Vadim Kozyulin nhận định: “Quân đội Nga và Ấn Độ đã thiết lập quan hệ thân thiện, điều này tạo thuận lợi cho tiến trình ký kết các hợp đồng. Tuy nhiên, do nền quốc phòng Nga còn khá nhiều khiếm khuyết nên Ấn Độ không thể trông đợi gì nhiều".
Theo giới chuyên gia, chính sách của New Delhi đã thay đổi. Ấn Độ từng nói thẳng rằng công nghệ của phương Tây hấp dẫn hơn của Nga. Lợi thế chủ yếu của Nga là giá bán, trung bình thấp hơn vũ khí cùng loại của châu Âu 30%. Tuy nhiên, giá thành rẻ chỉ là phạm trù tương đối.
Ví dụ, tàu Vikramaditya cho thấy giá thành của nó cùng máy bay, qua thời gian chế tạo, đã tăng gần gấp đôi lên 2,33 tỷ USD. New Delhi đã cáo buộc Moscow không chỉ phá vỡ thời gian giao hàng và tăng giá do bị trì hoãn, mà chất lượng sửa chữa và dịch vụ bảo dưỡng đều thấp.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Ấn Độ Aron Kumar đặt câu hỏi: “Tại sao Ấn Độ lại phải mua linh kiện dự phòng dành cho kỹ thuật của Nga ở Israel, mà không mua trực tiếp từ Nga?”. Một nhân tố nữa cũng khiến Nga lo ngại là những sĩ quan, làm bạn với Nga trong thời kỳ Liên Xô trước đây, dần nghỉ hưu. Liệu thế hệ sau thay thế những người này có còn thân thiện với Nga?
Vụ nổ tàu ngầm Sindurakshak là một đòn nữa giáng vào mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự Ấn-Nga. Trong 10 năm qua, Nga đã ký với Ấn Độ hơn 20 thỏa thuận hợp tác quân sự với tổng trị giá 30 tỷ USD. Ngoài tàu sân bay Vikramaditya còn có hệ thống tên lửa BrahMos, máy bay Su-30MKI và xe tăng T-90, cũng như các thỏa thuận nâng cấp máy bay MiG-29 của quân đội Ấn Độ.
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)