Khi Tổng thống Barack Obama tham dự đám tang nhà lãnh đạo Shimon Peres ở Jerusalem ngày 30/9, ông chỉ cách thành phố Aleppo chỉ có 514km theo đường chim bay. Aleppo chính là cội nguồn xung đột giữa hai “ông lớn” Mỹ và Nga.
Ngay sau khi lễ tang Shimon Peres kết thúc, Tổng thống Obama và bộ sậu của ông - trong đó có Ngoại trưởng John Kerry và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice - vội vàng trở về Washington để ứng phó khủng hoảng.
|
Nguy cơ đối đầu quân sự Mỹ-Nga ở Syria là khá cao. Minh họa: Debkafile |
Các bước đầu tiên hướng tới một cuộc đối đầu quân sự Mỹ-Nga ở Syria do Washington thực hiện.
Đối với Nga, các cuộc không kích của chiến đấu cơ A-10 của Mỹ ngày 17/9 và một vị trí quân sự Syria tại Jebel Tudar trong khu vực Deir ez-Zour ở miền đông Syria là cố ý , không phải tình cờ. Nhiều binh sĩ chính phủ Syria bị thiệt mạng trong các cuộc không kích này.
Việc Tổng thống Obama tiến hành một cuộc điều tra bí mật vụ việc nói trên cho thấy ông đã nghi ngờ Lầu Năm Góc hoặc có thể là CIA đã ra lệnh ném bom để phá hoại thỏa thuận hợp tác quân sự Mỹ-Nga tại Syria, một thỏa thuận mà Ngoại trưởng John Kerry phải làm việc vô cùng cực nhọc mới đạt được.
Những sự nhượng bộ của Ngoại trưởng John Kerry trước Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong những cuộc đàm phán, đặc biệt là việc đồng ý chia sẻ rộng rãi các thông tin tình báo, là hoàn toàn không thể chấp nhận đối với Bộ Quốc phòng, cộng đồng quân sự và tình báo Mỹ.
Theo trang mạng Debkafile của Israel, sự báo thù của Nga-Syria xảy ra hai ngày sau cuộc không kích của chiến đấu cơ A-10 vào binh sĩ Syria. Vào ngày 19/9, một đoàn xe viện trợ khẩn cấp đã bị xóa sạch trên đường tới thành phố Aleppo. Moscow và Damascus chối bỏ trách nhiệm về vụ bắn phá này, nhưng trên thực tế không có lực lượng không quân nào khác có mặt trên bầu trời thành phố Aleppo.
Trong khi đó, một cuộc tấn công phối hợp giữa Không quân Nga, Syria, Hezbollah và lực lượng dân quân Shiite dưới sự chỉ huy của sĩ quan Vệ binh Cách mạng Iran đã được phát động chống lại các nhóm phiến quân ở phía đông thành phố Aleppo.
Sự thất thủ của Aleppo, thành phố quan trọng thứ hai ở Syria sau Damascus, sẽ mang lại cho Tổng thống Bashar Assad chiến thắng vang dội nhất trong cuộc nội chiến đã kéo dài gần sáu năm.
Ngày 29/ 9, Ngoại trưởng John Kerry đe dọa Nga rằng "Mỹ sẽ đình chỉ kế hoạch phối hợp các nỗ lực chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo, nếu Moscow không ngừng tấn công Aleppo”.
Câu đáp trả giễu cợt của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho thấy Moscow nghi rằng có ai đó trong chính quyền Mỹ đang chống lại việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận hợp tác Nga-Mỹ và vì thế phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ của thỏa thuận này.
Hiện thời, chính quyền Mỹ đang đứng trước hai lựa chọn. Hoặc khoanh tay đứng nhìn các cuộc tấn công của Nga-Syria-Iran ở Aleppo hoặc gác lại các dàn xếp về điều phối hoạt động không quân giữa Nga và Mỹ ở Syria, với nguy cơ không thể tránh khỏi của một cuộc đụng độ trên không phận Syria hoặc ở phía đông Địa Trung Hải.