DW nhận định, vụ bắt giữ nam nghi can nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ nổ bom ở Bangkok có thể là cuộc tấn công trả thù việc chính quyền Thái Lan trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi tháng Bảy vừa qua.
Nhà chức trách Thái Lan cho biết, có nhiều tiến triển đáng kể trong việc truy tìm tung tích của thủ phạm vụ nổ bom ở Bangkok hồi tháng trước. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi kết quả kiểm tra dấu vân tay cho thấy, nghi phạm thứ hai trong vụ đánh bom ở đền Erawan bị bắt giữ ở Sa Kaeo đã để lại dấu vân tay trên những vật liệu chế tạo bom trong căn hộ của một nghi phạm khác ở Nong Chok, Bangkok.
|
Hiện trường vụ nổ bom ở đền Erawan tối 17/8.
|
Ngày 2/9, một sĩ quan cảnh sát Thái Lan cho biết, người đàn ông bị bắt giữ cách biên giới Campuchia chưa đầy 1 km, nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và có mặt ở nơi vụ nổ bom xảy ra.
Một trát bắt giữ của tòa án cũng được đưa ra để bắt một người phụ nữ tên Wanna Suansan, 26 tuổi, gốc ở Phang Nga, miền nam Thái Lan. Khi cảnh sát khám xét căn hộ mà Wanna thuê tại Maimura Gardan Home, quận Min Buri, Bangkok, họ phát hiện ra các vật liệu chế tạo bom. Tuy nhiên, cô này khẳng định từng thuê căn hộ đó và rời khỏi đó một năm trước. Hiện cô sống cùng chồng ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây hai tháng.
“Một mạng lưới rất lớn”
Những diễn biến mới nhất này diễn ra khoảng hai tuần sau khi Vương quốc Thái Lan hứng chịu vụ tấn công đẫm máu nhất trong thời gian gần đây, khi một quả bom phát nổ hôm 17/8 ở đền Erawan, làm 20 người chết (hơn một nửa là người nước ngoài) và hơn 120 người bị thương.
Mặc dù, cảnh sát điều tra đã thu thập được nhiều manh mối quan trọng kể từ sau các cuộc bố ráp hồi cuối tuần trước, nhưng cho tới nay, chưa một cá nhân hoặc tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom giữa thủ đô Bangkok. Còn nhà chức trách Thái Lan cho biết, các nghi phạm thuộc “một mạng lưới rất lớn”, trong đó có cả công dân Thái Lan và người nước ngoài.
|
Cảnh sát bắt giữ nam nghi phạm nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới với Campuchia.
|
Tuy nhiên, các manh mối mới được cảnh sát tìm thấy gần đây lại dẫn các nhà phân tích tới nghi ngờ rằng, cuộc tấn công có thể dính dáng tới một nhóm đang tìm cách trả thù chính phủ Thái Lan sau quyết định trục xuất 109 ngưởi Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi tháng 7/2015. Đặc biệt, báo chí Thái Lan lúc đó còn đăng tải bức ảnh một cuốn hộ chiếu Trung Quốc được cho là của nam nghi phạm mới bị bắt giữ tên Yusufu Mieraili đến từ vùng Tân Cương.
Vì sao nghi phạm đánh bom lại chọn Thái Lan?
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, tại sao các nghi phạm vụ đánh bom đó lại chọn Thái Lan? Trong quá khứ, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thường tới Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các nước Trung Á. Tuy nhiên, do sự bất ổn đang diễn ra ở khu vực cũng như việc chính quyền Trung Quốc ký kết các thỏa thuận an ninh với nhiều quốc gia ở Trung và Nam Á nên nhiều người Duy Ngô Nhĩ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo hành trình nguy hiểm qua Đông Nam Á.
Tuy nhiên, Giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia và là chuyên gia chính trị ở châu Á-Thái Bình Dương là Michael Clarke nói: “Những vụ trục xuất người Duy Ngô Nhĩ trở về Trung Quốc diễn ra ở Campuchia năm 2008/2009. Chiến thuật tương tự đã được áp dụng khi Thái Lan trục xuất 100 người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc".
Có sợi dây liên hệ trực tiếp giữa trục xuất và đánh bom?
Tuy nhiên, nhà phân tích an ninh Anthony Davis lại cho rằng, những chứng cứ tìm thấy chỉ ra, có một “sợi dây liên hệ trực tiếp” giữa vụ trục xuất người Duy Ngô Nhĩ hồi tháng 7 ở Thái Lan và vụ đánh bom ở Bangkok.
|
Cảnh sát công bố ảnh phác họa chân dung nghi phạm trong một cuộc họp báo.
|
Chuyên gia này nhận thấy một liên minh giữa một mạng lưới buôn lậu ở Bangkok với một nhóm khủng bố có tổ chức ở ngoài lãnh thổ Thái Lan bị tình nghi thực hiện vụ đánh bom nhằm trả thù cho việc trục xuất hơn 100 người Duy Ngô Nhĩ hồi tháng 7/2015.
“Tất cả các chứng cứ cho tới nay đều chỉ ra rằng, hai nhóm liên quan tới vụ đánh bom đó đều có chung gốc gác, cụ thể là gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không rõ liệu tất cả có phải là người Duy Ngô Nhĩ hay một số người là công dân Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Tuy nhiên, điều chúng tôi biết đó là người Duy Ngô Nhĩ là trung tâm của toàn bộ thảm kịch này”, ông Davis cho DW biết.
Số ít sự thật hiện hữu
Tuy nhiên, chuyên gia Abuza thận trọng hơn khi nói rằng, có rất ít chứng cứ hiện hữu cho thấy sự dính líu của người Thổ Nhĩ Kỳ hay người Duy Ngô Nhĩ trong vụ nổ bom ở trung tâm Bangkok này. Quả thực, tuy cảnh sát Thái Lan tới nay đã bắt giữ hai nghi can nước ngoài, nhưng cho tới giờ quốc tịch của họ đến nay vẫn chưa được công bố. Ông Abuza cho biết, nếu cảnh sát phát hiện thấy sự dính líu của người Duy Ngô Nhĩ tới vụ này thì đó sẽ là mấu chốt rất quan trọng.
|
Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ.
|
Giám đốc nghiên cứu tại Viện các vấn đề Đông Nam Á ở Chiang Mai, ông Paul Chambers, đồng ý rằng, sự dính líu của người Duy Ngô Nhĩ (trong vụ đánh bom giữa Bangkok) sẽ là một mô hình hoàn toàn mới của chủ nghĩa khủng bố.