Nga thắng Mỹ trên mặt trận chống khủng bố

Google News

(Kiến Thức) - Xét theo diễn biến tình hình thế giới hiện nay, có thể nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thắng Mỹ trên mặt trận chống khủng bố.

Ảnh minh họa.
Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, chính quyền Bush đã vạch ra chiến lược dùng sức mạnh quân sự-ngoại giao của Mỹ để tấn công mạng lưới khủng bố toàn cầu và các quốc gia hoặc các nhóm bảo trợ khủng bố. Xét về khía cạnh quan hệ quốc tế, phương châm chung của cuộc chiến này là yêu cầu các nước phải xác định rõ ràng “hoặc theo Mỹ hoặc chống lại nước Mỹ”.
Khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền vào năm 2008, ý tưởng cốt lõi của cuộc chiến chống khủng bố đã bị từ bỏ. Trong khi các cuộc tấn công khủng bố lớn chống Mỹ đã không xảy ra dưới thời chính quyền Obama, vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ này tỏ ra thiếu quyết tâm chống lại những phần tử khủng bố Hồi giáo trên toàn thế giới. Do đó, ông đã gián tiếp khuyến khích các mạng lưới khủng bố tiến hành chiến tranh ở Châu Phi, Trung Á và Trung Đông.
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vũ trang và “xóa sổ các mục tiêu có chọn lọc” chỉ là phản ứng ngăn chặn và không phải là một chính sách chủ động nhằm tiêu diệt chủ nghĩa thánh chiến trên phạm vi toàn cầu. Chính quyền Obama không có đủ niềm tin cần thiết để chống chủ nghĩa thánh chiến quốc tế. Tiêu diệt Osama bin Laden và tấn công bằng máy bay không người lái vũ trang chỉ là cách để Tổng thống Obama bộc lộ sự bất lực trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của Hồi giáo cực đoan ở trong và ngoài nước Mỹ.
Xét theo những diễn biến tình hình thế giới hiện nay, có thể nói Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thắng Mỹ trên mặt trận chống khủng bố. Tổng thống Nga đã thành công hơn trong cuộc chiến chống khủng bố, xét về khía cạnh an ninh nội bộ và vị thế quốc tế của Nga.
Tổng thống Putin đã nêu bật hai nguyên lý cơ bản để tiến hành một chiến dịch thành công chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo quốc tế. Đó là một thông điệp chính trị rõ ràng và sử dụng các phương tiện quân sự-ngoại giao thích hợp. Ông Putin đã chứng minh sự đúng đắn của hai nguyên lý trên trong cuộc khủng hoảng Syria.
Tổng thống Putin đã đề ra chính sách rõ ràng chống các phần tử thánh chiến bất ở cứ nơi nào có thể. Cuộc chiến hiện nay ở Syria được coi là sự tiếp nối của cuộc chiến chống khủng bố ở Chechnya và đây là một thông điệp dễ hiểu đối với phần lớn người Nga cũng như một bộ phần thế giới Arập và Châu Âu.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thành công của Tổng thống Putin là quyết tâm sử dụng mọi sức mạnh ngoại giao và quân sự để chống chủ nghĩa thánh chiến cực đoan. Nga đã ngấm ngầm hỗ trợ quân đội Assad kể từ năm 2011, bằng cách cung cấp cho chính phủ Syria những phương tiện chiến lược cần thiết để tiếp tục cuộc chiến chống quân nổi dậy, trong đó có không ít các phần tử thánh chiến Hồi giáo cực đoan.
Ngoài ra, ông Putin vẫn luôn luôn nhắc nhở nhân dân Nga rằng cuộc chiến chống khủng bổ không chỉ là của họ và vai trò duy nhất của Nga là để bảo vệ lợi ích của đất nước cũng như giáng những đòn trí mạng vào mạng lưới cực đoan quốc tế. Kể từ tháng 8/2013, Tổng thống Putin đã từ bỏ tất cả các chính sách cũ của Nga bằng cách ủng hộ hoạt động chống khủng bố của cộng đồng quốc tế, trong khi Washington tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận “bán đơn phương”, có hại cho lợi ích lâu dài của nước Mỹ.
Đối với Điện Kremlin, cuộc chiến chống khủng bố đang trở thành một chiến lược toàn cầu nhằm đạt được hai mục đích: chứng minh khả năng ngoại giao-quân sự và nâng cao vị thế quốc tế của nước Nga. Nhìn toàn cục, Nga đang thắng Mỹ trong một cuộc chiến mà Washington đã khởi đầu nhưng lại không thể hoặc không muốn kết thúc.
Lê Chân (theo atimes.com)

Bình luận(0)