Nga được gì trong vấn đề Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Phải chăng đằng sau hành động bảo vệ Damascus là ý đồ sâu xa của Nga: dùng Syria để giành lại vị thế trên trường quốc tế?

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov và Ngoại trưởng Syria W. Muallem.
Sau hai ngày đàm phán tại Geneva, cuối cùng Nga và Mỹ đạt được một thỏa thuận cho việc giải trừ vũ khí hóa học tại Syria. Hầu như các bên đều tỏ ra hài lòng, ngoại trừ phe đối lập Syria.
Vấn đề đặt ra là vì sao Nga kiên quyết bảo vệ đồng minh Syria? Phải chăng đằng sau hành động bảo vệ Damascus, Moscow có một ý đồ sâu xa là dùng Syria để tìm kiếm lại vị thế của mình trên trường quốc tế.
Đây chính là nhận định của báo Le Figaro qua bài viết điều tra đề tựa “Nga được gì trong hồ sơ Syria?”
Bài viết cho hay từ những năm 1970, Syria là một trong những khách hàng quân sự quan trọng của Nga. Hầu hết kho vũ khí của Damascus đều do Nga cung cấp - từ tên lửa đất đối không, tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không, bom, đạn dược… Ngoài ra, Nga còn giúp đào tạo các sĩ quan tình báo cho Syria. Mục tiêu của sự hợp tác quân sự lúc bấy giờ là nhằm biến Syria làm một đối trọng với các nước khác trong khu vực. Thế nhưng, tác giả bài viết cho rằng mối quan hệ quân sự mật thiết này không đủ để giải thích cho sự hỗ trợ vô điều kiện của Nga đối với Syria.
Trên thực thế, lý do chính để Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ Bashar al-Assad là nhằm tái khẳng định lại vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế trước Mỹ và các cường quốc phương Tây. Vấn đề Syria cho phép Tổng thống Putin khơi dậy lại trào lưu chống Mỹ tại Nga. Tác giả bài viết cho rằng với việc gây cản trở trong vấn đề Syria, ông Putin mơ tưởng đến một thế giới hai cực như thời còn Chiến tranh lạnh. Một mặt, Nga tìm các kìm hãm ảnh hưởng của Mỹ. Mặt khác, việc bảo vệ Damascus sẽ như là cái tát vào các nước phương Tây vốn dĩ đang tìm cách kìm hãm giấc mơ hồi sinh cường quốc của Nga.
Việc Nga ra sức bảo vệ Syria còn được giải thích bởi nỗi lo “khu vực”. Moscow lo ngại sự sụp đổ của chế độ Assad sẽ gây bất ổn tại Lebanon và Jordan. Sự trỗi dậy của phe Hồi giáo cực đoan khiến Nga cảm thấy bất an và lo ngại hiệu ứng domino có thể tác động đến các khu vực chịu sự ảnh hưởng của Nga, nhất là tại các quốc gia cộng hòa Hồi giáo ở Trung Á và Kavkaz.
Từ thời Catherine đệ nhị, điện Kremlin luôn tìm cách củng cố sự hiện diện của mình tại lưu vực Địa Trung Hải. Syria vốn là một trong những trụ cột chính của Liên Xô cũ tại Trung Cận Đông. Thế nhưng, tầm ảnh hưởng đó đã bị mai một dần đi kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ. Do vậy, việc tìm lại uy tín của Nga trong khu vực này là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của ông Vladimir Putin.
Nhưng tất cả những lý do trên cũng chưa đủ để giải thích tính chất vô điều kiện trong sự ủng hộ của Nga dành cho chế độ Assad. Tại Syria, mục tiêu chính của Kremlin là làm sao tránh được hành động tấn công quân sự chống chế độ Syria. Bởi vì, trong trường hợp nhà độc tài Syria bị lật đổ, Moscow sẽ không thể nào gây áp lực lên tiến trình chuyển tiếp.
Cuối cùng bài viết kết luận rằng chiến thắng ngoại giao mà chủ nhân điện Kremlin đạt được hồi tuần qua chưa hẳn là chiến thắng chiến lược. Bởi vì, nếu cuộc nội chiến Syria càng kéo dài, Nga sẽ khó có thể trở thành bên thắng cuộc. Và xét về dài hạn, chiến lược này của Nga có thể sẽ phản tác dụng.
Văn Bình (theo Le Figaro)

Bình luận(0)