|
Kỹ sư của Tổng công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) làm việc tại giàn khoan thẩm định khí tự nhiên ở huyện Langzhong, tỉnh Tứ Xuyên.
|
Nhìn vào các chỉ số kinh tế thông thường, dễ dàng thấy rằng, khoảng cách kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ không còn quá xa. Hơn nữa, con rồng châu Á đang nhanh chóng bắt kịp cường quốc số 1.
Tuy nhiên, riêng ở lĩnh vực quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế - năng lượng – Mỹ sẽ luôn dẫn trước và đang ngày càng cách biệt với Trung Quốc. Trung Quốc đã giành được những thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, tại sao nặng lượng lại không phải là một trong số đó?
Về lý thuyết, cả 2 quốc gia có tiềm năng sản xuất năng lượng ngang nhau. Về diện tích, Mỹ và Trung Quốc đều là những đất nước rộng lớn. Trong khi Mỹ được ưu ái sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn hơn, dân số Trung Quốc lại gấp hơn 4 lần so với đối thủ.
Do nguồn nhân lực vô cùng quan trọng trong sản xuất, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu sản lượng ngành công nghiệp Trung Quốc vượt mặt Mỹ. Và đối với các nghành công nghiệp cố định, sản lượng giữa 2 bên là thứ có thể dễ dàng so sánh được. Chẳng hạn, trong nghành công nghiệp hóa chất, nhiều quan điểm cho rằng, Trung Quốc đang dẫn đầu.
Song không có lĩnh vực công nghiệp nào quan trọng hơn năng lượng. Và ở lĩnh vực này, Mỹ rõ ràng mạnh hơn Trung Quốc.
Ủy ban thông tin năng lượng dự đoán, sản lượng dầu mỏ hàng ngày của Mỹ sẽ lớn gấp 3 lần Trung Quốc trong năm tới. Tuy nhiên, khoảng cách giữa 2 nước vẫn đang mở rộng. Sản lượng năng lượng của Mỹ hiện nay đang tăng trưởng nhanh gấp 4, 5 lần so với Trung Quốc. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, lượng dầu mỏ Mỹ khai thác sẽ lớn gấp 4 lần Trung Quốc vào cuối thập kỷ này.
Sự tăng vọt khí đá phiến sét của Mỹ đóng góp đáng kể vào kết quả đó. Song Trung Quốc cũng có lượng dự trữ đá phiến sét kếch xù. Do đó, chỉ riêng yếu tố này không đủ đảm bảo lợi thế dẫn đầu lâu dài của Mỹ về năng lượng đối với Trung Quốc.
Mỹ còn có những yếu tố khác để duy trì lợi thế trước Trung Quốc trên lĩnh vực này. Những yếu tố cơ bản đó bao gồm: quyền sở hữu tư nhân, cơ cấu công nghiệp, tài chính và giá cả - hay nói cách khác là những nền tảng thương mại.
Ở Trung Quốc, gần như toàn bộ đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước. Nhìn bề ngoài điều này dường như mang lại khả năng quản lý, giao dịch đất đai dễ dàng, thống nhất hơn. Nhưng thực tế, nó lại thường nảy sinh ra nhiều vấn đề khi có sự tranh giành (về mặt chính trị) trong việc kiểm soát, quản lý và giao dịch các khu đất có giá trị, từ đó, phát sinh vấn nạn tham nhũng.
Chiếm đa số trong tổng số 45.000 “vụ xô xát quần chúng” - thuật ngữ Bắc Kinh dùng để mô tả các vụ biểu tình và tình trạng bất ổn – xảy ra hàng năm ở Trung Quốc có nguyên nhân bắt nguồn từ tranh chấp đất đai.
Ngược lại, với các quyền sở hữu rõ ràng, việc thu hồi đất ở Mỹ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn.
Ngoài ra, bản chất của các công ty năng lượng cũng là một yếu tố quan trọng cần đề cập đến. Sự bùng nổ năng lượng ở Mỹ đang mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, sáng tạo cơ hội phát triển và mở rộng. Song những doanh nghiệp và một cơ hội để phát triển và mở rộng như vậy đều không tồn tại ở Trung Quốc. Thay vào đó, các doanh nghiệp khổng lồ được nhà nước bảo kê được cấp các quyền độc quyền kiểm soát các mặt hàng và dịch vụ nhất định. Điều này giúp họ đảm bảo, không phải lo cả về mặt doanh số lẫn lợi nhuận.
Kết quả là, không hề có bất cứ động lực thương mại nào thúc đẩy sự đột phá của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.
Vấn đề tài chính, có quan hệ mật thiết với cơ cấu công nghiệp là một nguyên nhân khác. Mỹ có một hệ thống tài chính đa mặt, khôn ngoan – cho vay trên cơ sở thương mại. Trong khi đó, Trung Quốc lại duy trì hệ thống tài chính cho vay mang tính chính trị chủ yếu. Nếu các công ty năng lượng tư nhân, cạnh tranh, sáng tạo có cơ hội tồn tại, họ luôn có khả năng lâm vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng. Họ không thể nhận được các khoản đầu tư giúp họ có khả năng cạnh tranh, thách thức các công ty lớn hơn, thuộc sở hữu của nhà nước.
Cuối cùng là yếu tố giá cả. Tại Mỹ, giá năng lương đang ngày càng tăng thúc đẩy các dự án thăm dò và nghiên cứu cải tiến công nghệ. Ngược lại, ở Trung Quốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đảm trách việc điều chỉnh giá cả dựa trên sự phỏng đoán, ước đoán. Chẳng hạn, giá xăng ở Trung Quốc xấp xỉ phân nửa giá nhập khẩu.
Giá cao là động cơ thúc đẩy sản xuất mạnh hơn. Nhưng NDRC bỏ qua điều này vì mục tiêu “ổn định xã hội”. Không có động cơ giá cả thúc đẩy (hay nói cách khác, việc định giá sai), dẫn đến kết quả, sản xuất ít hiệu quả hơn và ít có sự cách tân hơn.
Cuối cùng, khoảng cách khổng lồ giữa Mỹ và Trung Quốc trên lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục mở rộng trừ phi Bắc Kinh tiến hành cải cách thị trường sâu rộng, triệt để và thành công trong tiến trình này.