Tại một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận lũ lụt thảm khốc ở Đức, bà Michaela Wolff, một nhà sản xuất rượu vang nói với Guardian: “Giống như một quả bom phát nổ và phá hủy mọi thứ. Không còn gì ở trung tâm thành phố”.
Vườn nho và nhà khách của gia đình bà vốn thường chật kín khách du lịch. Thế nhưng, vào cuối tuần này, nó chứa đầy những người tị nạn tuyệt vọng sau khi nhà cửa bị phá hủy do sông Ahr vỡ bờ vào ngày 14/7.
“Hỗn loạn, hoàn toàn hỗn loạn", bà Michaela Wolff nói.
|
Một ngôi làng ở miền Tây nước Đức sau khi cơn lũ quét qua. Ảnh: AFP. |
Khung cảnh hoang tàn
Lũ lụt trên khắp miền Tây nước Đức và Bỉ đã khiến ít nhất 160 người thiệt mạng.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là quận Ahrweiler của Đức. 98 trường hợp tử vong đến nay đã được xác nhận tại đây, trong số đó có 12 người tại một ngôi nhà dành cho người tàn tật. Nhiều người nữa đang mất tích và con số tử vong dự kiến còn tăng thêm.
Hàng nghìn người trở thành người vô gia cư. Hậu quả kinh tế từ những cơ sở hạ tầng bị phá hủy cùng với chi phí sửa chữa có thể lên đến hàng tỷ USD.
Bad Neuenahr-Ahrweiler là một thị trấn spa lâu đời thuộc quận Ahrweiler, được bao quanh bởi những vườn nho đẹp như tranh vẽ. Những trận mưa không ngớt hồi đầu tuần này đã khiến nước sông Ahr dâng cao và chia đôi thị trấn.
Những con phố bị chôn vùi dưới nước và bùn, ôtô nằm ngổn ngàn trong quảng trường, một ngôi nhà bị lũ cuốn trôi bức tường phía trước nhìn ra đường như thể vừa bị một quả bom oanh tạc.
|
Lũ lụt đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về tài sản ở làng Schuld, gần thị trấn Bad Neuenahr-Ahrweiler miền Tây nước Đức. Ảnh: AFP. |
Hầm rượu của bà Wolff là hầm rượu duy nhất trong thị trấn sống sót trước cơn lũ. “Nước chỉ dừng cách cửa nhà chúng tôi vài cm. Chúng tôi may mắn một cách kỳ diệu”.
Ngoài gây thiệt hại khủng khiếp về người và cơ sở hạ tầng, trận lũ lụt đã làm dấy lên lo ngại của giới chính khách về cái giá của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 16/7 đã chỉ ra chính sự thay đổi của các mô hình thời tiết đã làm tăng cường độ của lũ lụt. Khi được hỏi liệu sự nóng lên toàn cầu có góp phần gây ra thảm họa hay không, ông nói rằng “không còn nghi ngờ gì nữa”.
Giới hạn của sức chịu đựng
Cách Bad Neuenahr 30 km về phía tây bắc, quận Blessem của thị trấn Erftstadt, Đức còn phải gánh chịu một thảm họa lớn hơn.
Nước sông Erft tràn vào một mỏ đá sỏi, gây ra một vụ lở đất làm sập nhà và chôn vùi một đường cao tốc trong quận. Nhiều xe tải và ôtô bị vùi lấp trên đường.
Ông Herbert Reul, Bộ trưởng Nội vụ của bang North Rhine-Westphalia, cho biết trước khi tiến hành khai quật các phương tiện rằng họ dự kiến tìm thấy một số chiếc ở độ sâu tới gần 10m.
|
Các phương tiện bị bỏ lại trên đường cao tốc 265 sau trận lở đất gây ra bởi cơn lũ lớn gần thị trấn Erftstad. Ảnh: Getty Images. |
Số người chết dự kiến còn tăng thêm. Bà Carolin Weitzel, thị trưởng Erftstadt, cho biết: “Chúng tôi sẽ còn tìm thấy những nạn nhân khác”.
Những ngày này ở trung tâm Erftstadt, người dân đến một nghĩa địa ngập nước để đặt đá và thắp nến bày tỏ lòng thành kính đối với những người đã khuất.
Ngay bên cạnh, một siêu thị đóng cửa do lũ lụt đang phân phát nước đóng chai cho mọi người.
Khoảng 80 người sơ tán đang tạm trú ở thành phố Cologne gần đó. Số còn lại đang được gửi đến các thành phố khác trong khu vực, không chắc liệu họ có thể trở về nhà hay không. Và nếu có, không rõ liệu họ sẽ trở về đâu.
Bà Wolff nói: “Không còn cơ sở hạ tầng nào nữa. Những cây cầu bị cuốn trôi, chúng tôi bị chia cắt khỏi phía bên kia của thị trấn. Số người chết cứ tăng lên hàng giờ. Chúng tôi đang ở giới hạn của sức chịu đựng tinh thần”.