Theo nhà nghiên cứu chính trị Rostislav Ishchenko, cuộc khủng hoảng Triều Tiên đã bộc lộ bất đồng lớn nhất trong quan hệ Mỹ-Châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Những nước đồng minh Châu Âu của Washington đã công khai chỉ trích chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Triều Tiên.
Chuyên gia Ishchenko nói thêm, cuộc khẩu chiến của Washington và Bình Nhưỡng cũng không nhận được sự ủng hộ của Liên minh Châu Âu (EU). Trên thực tế, bất đồng Mỹ-Châu Âu tiếp tục gia tăng.
|
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, ngày 7/7. Ảnh: Reuters. |
Có thể thấy, căng thẳng Mỹ-Triều Tiên leo thang nghiêm trọng trong những tuần gần đây liên quan đến các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng và cuộc tập trận của Mỹ trong khu vực.
Giữa lúc căng thẳng sôi sục trên bán đảo Triều Tiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa tin, Bắc Kinh nên ở thế trung lập nếu Triều Tiên tấn công Mỹ, nhưng sẽ ngăn chặn nếu Mỹ-Hàn Quốc tấn công hoặc cố lật đổ chế độ Triều Tiên và thay đổi mô hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, Moscow và Bắc Kinh cũng đưa ra đề xuất rằng rằng Triều Tiên sẽ dừng thử tên lửa - hạt nhân đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng tập trận chung trong khu vực. Song, Nhà Trắng ngay lập tức bác bỏ đề xuất này.
>>> Mời quý độc giả xem video: Vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Nguồn: DW)
Theo Sputnik, các đồng minh Châu Âu lâu năm của Washington ngày càng tỏ ra bất mãn trước lập trường của Mỹ đối với Triều Tiên, nhất là những tuyên bố “hiếu chiến” của ông Trump.
Trả lời phỏng vấn tờ báo Koelner Stadt-Anzeiger, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel chỉ trích Tổng thống Trump về những “tuyên bố không thể hiểu nổi”.
“Tổng thống Mỹ đưa ra những tuyên bố không thể hiểu nổi. Sự leo thang căng thẳng như vậy có thể bắt đầu bằng lời nói và kết thúc bằng hành động quân sự”, Ngoại trưởng Gabriel nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuần trước khẳng định rằng khủng hoảng Triều Tiên không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, đồng thời chỉ trích cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bình Nhưỡng.
“Đức sẽ tham gia tích cực vào các biện pháp giải quyết phi quân sự. Tôi cho rằng việc sử dụng lời nói khiến căng thẳng leo thang là một phản ứng sai lầm”, Thủ tướng Merkel cho hay.
Trước tình hình căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên, các chuyên gia đã phân tích khả năng xảy ra chiến tranh Washington-Bình Nhưỡng cũng như dự đoán phản ứng của các nước thành viên Châu Âu trong khối NATO đối với cuộc xung đột.
Theo Deutsche Welle (Đức) ngày 12/8, các nước đồng minh Châu Âu của Mỹ không muốn can dự vào cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo Điều 5 của Hiệp ước Washington, thành viên của NATO cần phải hỗ trợ đối tác của họ. Tuy nhiên, việc điều tàu chiến hay hỗ trợ về mặt ngoại giao cho đồng minh là tùy thuộc vào mỗi quốc gia thành viên.
Cũng theo Deutsche Welle, Anh sẽ không vội vàng hỗ trợ Mỹ nếu đảo Guam bị Triều Tiên tấn công bằng tên lửa.
“Trước đây, Châu Âu đều chạy theo chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng bây giờ, rõ ràng, họ từ chối giúp Mỹ chống Triều Tiên. Trong suốt thời kỳ hậu Thế chiến II, đây là lần đầu tiên ‘Phương Tây’ thực sự chia rẽ về vấn đề chiến tranh và hòa bình”, nhà nghiên cứu Ishchenko nhấn mạnh.
Song, căng thẳng Mỹ-Triều đã tạm thời "hạ nhiệt" khi truyền thông Triều Tiên ngày 15/8 đưa tin, Bình Nhưỡng đã hoãn lại kế hoạch tấn công đảo Guam, một căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
“Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra một quyết định rất hợp lý và khôn ngoan”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.