Theo giáo sư Stein Tonnesson của Viện Nghiên cứu Hoà bình Oslo, kịch bản chiến tranh khó xảy ra nhất, kịch bản thứ hai là rất có thể và kịch bản thứ ba nhiều có triển vọng hơn kịch bản thứ nhất.
Vì sao khó xảy ra chiến tranh Mỹ-Triều Tiên?
Giáo sư Stein Tonnesson cho rằng hiện thời, không bên nào muốn xảy ra chiến tranh. Chiến tranh có thể đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại chế độ ở Triều Tiên và gây ra thảm họa to lớn ở Hàn Quốc, cũng có thể ở Nhật Bản - nếu Triều Tiên phát động cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào nước này.
Mặc dù không trực tiếp, Mỹ cũng sẽ bị thiệt hại trong kịch bản này. Nếu quyết định phát động một cuộc tấn công quân sự chống Triều Tiên, Mỹ sẽ vấp phải làn sóng phản đối dữ dội ở Hàn Quốc.
Hơn nữa, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc biết rõ rằng Triều Tiên không phải là dễ nhằn vì chế độ ở Bình Nhưỡng dựa vào một quân đội triệu người có kỷ luật và nhận được sự ủng hộ của dân chúng.
Mặc dù các kho vũ khí và căn cứ lớn của Triều Tiên có thể bị các cuộc ném bom chính xác của Mỹ phá huỷ, nhưng cơ cấu chỉ huy của ban lãnh đạo Triều Tiên vẫn sẽ hoạt động trong giai đoạn đầu chiến tranh. Điều này cho phép nhà lãnh đạo Kim Jong-un pháo kích và tấn công tên lửa vào thủ đô Seoul vốn có hàng chục triệu cư dân sinh sống.
|
Nguy cơ chiến tranh sẽ tăng lên, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân mới. Ảnh: Daily Express |
Vậy tại sao chiến tranh vẫn có khả năng xảy ra? Nguy cơ chiến tranh sẽ tăng lên, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định phóng tên lửa hoặc thử hạt nhân mới và Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đưa các tàu sân bay, tàu ngầm và quân đội tới Bán đảo Triều Tiên để buộc ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán. Bên này cho rằng bên kia sắp tấn công và đi đến quyết định kết luận “đánh đòn phủ đầu” là cần thiết.
Khủng hoảng sẽ còn kéo dài?
Kịch bản khủng hoảng kéo dài rất có thể xảy ra vì các mục tiêu của Mỹ và Triều Tiên hoàn toàn khác nhau. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo đuổi mục tiêu có khả năng tương tự như Nga và Trung Quốc trong việc tấn công lục địa Mỹ. Điều này sẽ ngăn chặn Mỹ tiến hành các cuộc tấn công chống lại nước ông. Một loạt các vị tổng thống Mỹ gần đây đã không thể chấp nhận điều này và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nói chắc như đinh đóng cột là ông không để điều đó xảy ra (khả năng tấn công hạt nhân của Triều Tiên giống như Nga và Trung Quốc). Mỹ đã đặt điều kiện tiên quyết cho đàm phán với Triều Tiên và đó là Bình Nhưỡng phải hoàn toàn từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đây là điều mà Triều Tiên không bao giờ chấp nhận và do đó, hai bên không thể đạt được thỏa thuận thông qua thương lượng song phương.
Kịch bản có khả năng nhất là khủng hoảng Triều Tiên kéo dài. Tình hình hiện tại đặc biệt khó khăn đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vì Nga và Trung Quốc đã cùng với Mỹ siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Lối thoát nào ra khỏi khủng hoảng Triều Tiên?
Hứa hẹn nhất có lẽ là đàm phán giữa hai miền Triều Tiên. Tân Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in đã cố gắng vừa xây dựng lòng tin với Tổng thống Mỹ Donald Trump, vừa tìm cách can dự, nối lại đàm phán với Triều Tiên. Khi ông Trump đe dọa đáp trả Triều Tiên bằng "lửa và cơn cuồng nộ”, ông Moon Jae-in đã gọi điện phản đối. Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận cuộc gọi và nói chuyện với Tổng thống Moon Jae-in cả tiếng đồng hồ.
Nga và Trung Quốc đang tìm kiếm một thoả thuận tạm thời, theo đó Triều Tiên không tiến hành thêm bất kỳ cuộc thử tên lửa và hạt nhân nào, còn Mỹ và Hàn Quốc cam kết sẽ không tiến hành các cuộc tập trận quân sự vốn khiến cho khủng hoảng leo thang từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay. Chỉ có điều, thỏa thuận tạm thời này sẽ không đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Do đó, Mỹ sẽ không ký một thỏa thuận như vậy. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cho phép đồng minh Hàn Quốc thỏa thuận tạm thời với Triều Tiên để mua thời gian và ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Theo giáo sư Stein Tonnesson, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có lẽ sẽ đóng vài trò sứ giả hòa bình. Nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể thực hiện chuyến đi đầu tiên ra nước ngoài tới Seoul để đáp lễ các chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-yun tới Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007, thì đó sẽ là bước quan trọng trên con đường dẫn đến hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.