Mổ xẻ 5 cách đánh Syria của phương Tây

Google News

(Kiến Thức) - Mọi dấu hiệu đều cho thấy phương Tây sắp đánh Syria: có sẵn kế hoạch tác chiến và các lực lượng cần thiết cũng đã được đưa vào vị trí tập kết.

Phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria từ Địa Trung Hải.
Hải quân Mỹ đã đưa 4 tàu khu trục tên lửa đến phía Đông Địa Trung Hải và có thể triển khai một tàu ngầm mang tên lửa.
Một tàu ngầm lớp Trafalgar của Anh cũng có thể tham gia phóng tên lửa tấn công các mục tiêu ở Syria. Không quân Pháp cũng có thể được huy động tham chiến.
Nếu cần đến hỏa lực mạnh hơn, hai tàu sân bay Mỹ có thể phát động các cuộc không kích và các căn cứ trên đất liền ở Thổ Nhĩ Kỳ và đảo Síp cũng có thể được sử dụng.
Các lực lượng Mỹ-Anh-Pháp sẵn sàng tham chiến chống Syria
Nhưng những phương án nào đang được đề xuất? Những rủi ro liên quan là gì? Lý do nào đằng sau hành động can thiệp quân sự của phương Tây? Và, có lẽ quan trọng nhất, là làm thế nào mà hành động quân sự phương Tây có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Syria?
Những lựa chọn quân sự mà các nhà lãnh đạo Mỹ-Anh đang cân nhắc là rất đa dạng: từ một cuộc không kích trừng phạt có giới hạn đến can thiệp quân sự toàn diện (trong đó có sử dụng cả bộ binh) để kết thúc cuộc nội chiến Syria.
Những người phản đối lo ngại rằng bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào của phương Tây đều có thể làm cho chiến sự leo thang. Phương Tây có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến kéo dài “hao người tốn của” như Iraq hoặc Afghanistan.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey, đã trình bày một cách chi tiết trong một bức thư gửi cho Thượng nghị sĩ Carl Levin vào giữa tháng 7/2013 về một số lựa chọn có thể được Liên quân phương Tây-Hồi giáo có thể áp dụng chống chế độ Assad:
1. Không kích trừng phạt có giới hạn
Mục đích của “không kích trừng phạt có giới hạn” là khiến cho Tổng thống Assad không dám sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai. Mục tiêu có thể bao gồm các lực lượng quân đội có quan hệ chặt chẽ với chế độ Assad như sở chỉ huy, doanh trại của các đơn vị tinh nhuệ.
Các mục tiêu quan trọng có thể bị tấn công.
Các cơ sở sản xuất tên lửa cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu. Tấn công các cơ sở sản xuất hóa chất sẽ được cân nhắc cẩn thận hơn vì hóa chất độc hại phát tán có thể dẫn đến những tổn thất đáng kể cho dân thường.
Các hệ thống phòng không và trung tâm chỉ huy cũng là những mục tiêu bị tấn công để tạo điều kiện cho các hành động quân sự của phương Tây trong tương lai.
Sự hấp dẫn của lựa chọn này là nó hạn chế được tổn thất của các lực lượng phương Tây tham chiến.
Loại vũ khí chủ lực được lựa chọn sẽ là tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến của Hải quân Mỹ và từ tàu ngầm Mỹ - và có thể từ tàu ngầm Anh.
2. Tăng cường hỗ trợ phe đối lập Syria
Tướng Dempsey coi đây là lựa chọn ưu tiên. Điều này liên quan đến công tác huấn luyện, đào tạo và cố vấn cho quân nổi dậy. Phương án “dung người Syria đánh người Syria” này chỉ là một sự mở rộng và tăng cường các công việc mà phương Tây đã tiến hành.
Tuy nhiên, lựa chọn này đang gặp nhiều trở ngại do phe đối lập Syria bị “chia năm, xẻ bảy”, phân hóa sâu sắc và do sự lo ngại ngày càng gia tăng của phương Tây về các nhóm chiến đấu có hiệu quả nhất trong phe đối lập lại là những nhóm có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda.
3. Thiết lập “vùng cấm bay”
Mục đích của lựa chọn này là ngăn chặn chính phủ Syria sử dụng sức mạnh không quân tấn công quân nổi dậy trên mặt đất và chi viện cho các căn cứ của quân chính phủ bị cô lập trên toàn quốc. Điều này đòi hỏi phải vô hiệu hóa hệ thống phòng không của Syria và phải bắn hạ các máy bay quân sự Syria bay trên không phận.
Máy bay chiến đấu đa năng F-16.
Việc thiết lập một vùng cấm bay đã được thảo luận hơn một năm qua và thường bị bác bỏ. Phần lớn là do sức mạnh hệ thống phòng không liên hoàn của Syria, được Liên Xô cũ trang bị và được Liên bang Nga hiện đại hóa. Tuy nhiên, người ta cũng chưa thể biết hiệu quả của hệ thống phòng không này đến mức nào. Không quân Israel đã nhiều lần đánh phá các mục tiêu bên trong Syria mà không hề hấn gì.
Có một điều rõ ràng là việc thiết lập một vùng cấm bay sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với máy bay Mỹ và đồng minh. Lựa chọn này đòi hỏi phải huy động một lực lượng đáng kể và thời gian tác chiến khá dài.
4. Thành lập các “vùng đệm”
Mục tiêu của lựa chọn này là thiết lập những nơi trú ẩn cho quân nổi dậy ở bên trong lãnh thổ Syria - có lẽ gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan. Từ những “vùng đệm-trại tị nạn” này, quân nổi dậy có thể phát động các cuộc tấn công chống quân chính phủ Syria. Đây là phương án được thảo luận và đã bị bác bỏ.
Vấn đề nghiêm trọng là làm thế nào để bảo vệ các “vùng đệm” nói trên trước sự tấn công của quân đội Syria? Phương Tây sẽ phản ứng ra sao, nếu quân đội Syria dùng tên lửa đất đối đất hoặc trọng pháo bắn phá các “vùng đệm” đó.
Chỉ có điều, để thiết lập các “vùng đệm”, phương Tây phải áp đảo về không quân và hành động này giống như việc khởi đầu một cuộc chiến toàn diện ở Syria
5. Kiểm soát các kho vũ khí hóa học ở Syria
Đây là lựa chọn mà tướng Dempsey trình bày với Quốc hội Mỹ nhằm ngăn ngừa việc sử dụng hoặc phổ biến vũ khí hóa học.
 Lính đặc nhiệm Mỹ
Điều này chỉ có thể được thực hiện bằng cách phá hủy các kho vũ khí hóa học của Syria; ngăn cản việc chuyên chở vũ khí hóa học hoặc đánh chiếm các cơ sở sản xuất chính. Điều này sẽ đòi hỏi phải có sự tham gia lớn của Mỹ, trong đó có sự tham chiến của các lực lượng mặt đất và với thời gian kéo dài.
Hiện thời sự lựa chọn có nhiều khả năng nhất đối với Mỹ là “không kích trừng phạt có giới hạn” để gửi một thông điệp cứng rắn đến chế độ Assad. Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải hành động vì ông này từng cảnh báo Tổng thống Assad chớ có vượt qua “giới hạn đỏ” là sử dụng vũ khí hóa học.
Nhưng để lựa chọn bất kỳ sự lựa chọn nào, các nhà lãnh đạo Mỹ-Anh cần phải quan tâm đến các vấn đề sau đây:
• Đó là các bằng chứng cần thiết do nhóm thanh tra vũ khí hóa học Liên Hợp Quốc cung cấp, trước khi phát động một chiến dịch quân sự.
• Vấn đề về tính hợp pháp của hành động quân sự, xét theo khía cạnh luật pháp quốc tế - đặc biệt kể từ khi Nga và Trung Quốc phủ quyết mọi mưu đồ sử dụng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để hợp thức hóa việc nước ngoài can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria.
• Nhưng có lẽ vấn đề quan trọng nhất của tất cả các hành động quân sự là phải làm gì tiếp theo? Làm thế nào để đảm bảo các hành động này sẽ mang lại hòa bình cho Syria? Liệu hành động quân sự của phương Tây có làm cho tình hình ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung trở nên tồi tệ hơn?
Các lực lượng liên quân có khả năng tham chiến
Tàu sân bay USS Harry Truman đã tiến vào Biển Đỏ
• Bốn tàu khu trục Mỹ - USS Gravely, USS Ramage, USS Barry và USS Mahan – đang ở phía Đông Địa Trung Hải và được trang bị tên lửa hành trình.
• Tên lửa hành trình cũng có thể được phóng từ tàu ngầm Mỹ
• Căn cứ không quân Incirlik ở và Izmir ở Thổ Nhĩ Kỳ và các căn cứ không quân ở Jordan… có thể được sử dụng để thực hiện chiến dịch tấn công Syria.
• Hai tàu sân bay - USS Nimitz và USS Harry S. Truman đang được triển khai ở khu vực.
• Tên lửa hành trình có thể được phóng đi từ một tàu ngầm lớp Trafalgar của Anh.
• Lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Hoàng gia bao gồm tàu sân bay HMS Illustrious và các tàu khu trục HMS Montrose và HMS Westminster đã được triển khai ở gần Syria trước đó.
• Căn cứ không quân Akrotiri ở Síp cũng có thể được sử dụng.
• Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp hiện đang ở Toulon, Tây Địa Trung Hải.
• Các chiến đấu cơ Rafale và Mirage của Pháp cũng có thể hoạt động từ căn cứ không quân Al-Dhahra, UAE.
Lê Chân (theo BBC News)

Bình luận(0)