Ẩn ý đằng sau chiến lược “xoay trục” của Mỹ

Google News

“Xoay trục” sang Châu Á là điều mà Mỹ đang xúc tiến, nhưng động lực thực sự đằng sau sự chuyển hướng này của chính quyền Tổng thống Barack Obama là gì?

Cái bắt tay của ba bị bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản (trái) Mỹ (giữa) và Hàn Quốc (phải). 
Từ khi Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược an ninh sang Châu Á vào năm 2011, đã có nhiều tranh cãi khá sôi nổi về nội dung của hoạt động chuyển hướng, mức độ ảnh hưởng tới cặp quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Lý do để Mỹ rút khỏi Trung Đông
Động lực chuyển hướng của Mỹ sang Châu Á gần như đã rõ ràng: “trọng tâm” kinh tế và chính trị của toàn cầu đã chuyển sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ cần phải có phản ứng thích nghi.
Tuy nhiên, còn có những luận điểm liên quan tới động cơ địa chiến lược cho việc xoay trục. Theo đó sự xoay trục của Mỹ không chỉ là phản ứng với sự dịch chuyển trọng tâm toàn cầu. Có một động lực nữa không kém phần quan trọng là Tổng thống Obama không muốn tiếp tục đầu tư vào cuộc chiến kéo dài, tốn kém và ngày càng không được ủng hộ về chính trị tại Afghanistan, cũng như khu vực đầy bất ổn và bạo lực Trung Đông.
Một đơn vị quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Ý đồ của Tổng thống Obama rút quân khỏi Afghanistan thể hiện ở thái độ của ông với cuộc chiến tranh Iraq. Cách đây 11 năm, khi đang chỉ là một Thượng nghị sỹ, ông Obama đã tuyên bố rằng việc Mỹ tấn công Iraq là “vội vàng”, không có căn cứ và hết sức “ngớ ngẩn”. Ông Obama lúc đó cho rằng Saddam Hussein không gây ra những nguy hiểm trực tiếp cho nước Mỹ và cuộc chiến tranh có thể tạo ra sự chiếm đóng “không xác định được thời gian, không xác định được chi phí và không xác định được hậu quả”.
Cho tới khi làm tổng thống, ông Obama chưa bao giờ lên tiếng phản đối cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng quan điểm của ông hiện tại cũng giống như những gì trước khi diễn ra cuộc chiến Iraq: lực lượng Taliban tự nó không thể đặt ra những nguy hiểm trực tiếp với nước Mỹ và sau 12 năm chiếm đóng thì nước Mỹ vẫn đương đầu với một cuộc nội chiến ở Afghanistan với thời gian, chi phí và hậu quả là khôn lường.
Vậy giải pháp của Tổng thống Obama là gì? Đó sẽ là nước Mỹ rút lui một cách nhanh nhất có thể mà không gây ra sự sụp đổ hoàn toàn cho chính quyền Afghanistan.
Công bằng mà nói, Afghanistan không phải là nước duy nhất mà Mỹ can dự ở Trung Đông. Theo như mô tả của học giả Vali Nasr, Mỹ can dự từ Pakistan cho tới Morocco. Chỉ có điều, Mỹ không thể cải thiện được tình hình Trung Đông trong 10 năm qua và xét từ bối cảnh chính trị đó, chiến lược xoay trục của Mỹ là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Vì sao Mỹ xoay trục sang Châu Á?
Nhưng vì sao Mỹ lại “xoay trục” sang Châu Á, thay vì rút quân về nước? Một câu trả lời mang ý nghĩa địa chiến lược là: Mỹ cần duy trì quan hệ đồng minh và lợi ích kinh tế ở khu vực này và để đảm bảo sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách hòa bình nhất có thể.
Lý do thứ nhất là chính quyền Tổng thống Obama vẫn tiếp tục coi trọng chính sách can dự toàn cầu. Tuy nhiên, nước Mỹ chỉ sẵn sàng can dự vào các vấn đề tương đối an toàn về mặt chính trị đồng thời ít gây thiệt hại tới tính mạng binh lính Mỹ giống như chiến dịch không quân của NATO ở Libya. Mỹ không muốn can dự nhiều vào các cuộc bạo loạn tốn kém đang diễn ra các nước Trung Đông thời gian qua.
Việc xoay trục chiến lược tạo ra sự an toàn hơn với Mỹ: mặc dù vẫn có những căng thẳng diễn ra ở Châu Á nhưng khả năng triển khai mới lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Australia hay tại những căn cứ khổng lồ của Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản ít có khả năng xảy ra những thiệt hại cho lính Mỹ.
Thứ hai, việc can dự vào Châu Á-Thái Bình Dương cho phép quân đội Mỹ thể hiện thế mạnh về không quân và hải quân so với các cường quốc khác. Mỹ có lợi thế áp đảo về sức mạnh hải quân và không quân so với bất kỳ lực lượng quân sự nào, nhưng 12 năm sa lầy vào cuộc chiến trên bộ, cân đối ngân sách quốc phòng đã thay đổi so với trước đó. Chi phí cho lực lượng Không quân và Hải quân chiếm 54% năm 2000 giảm xuống còn 41% năm 2008. Tuy vậy tại thời điểm hiện tại, trong khi lực lượng Lính thủy đánh bộ và Lục quân đối mặt với những cắt giảm ngân sách lớn thì ngân sách cho lực lượng Hải quân và Không quân vẫn duy trì ổn định.
Thêm vào đó, trong khi Trung Quốc đang ra sức phát triển các hệ thống đánh chặn, chống tiếp cận, thì việc chạy đua về sức mạnh hải quân và không quân giúp Mỹ có lợi thế hơn tiếp tục đầu tư vào các căn cứ mặt đất ở các nước đồng minh.
Một lý do nữa là phần lớn quân đội Mỹ không muốn tham gia vào các cuộc chiến mệt mỏi, khốc liệt ở chiến trường Trung Đông và muốn quay trở lại khu vực có nhiều đồng minh thân cận như Hàn Quốc, Philippines, Australia và Nhật Bản.
Xoay trục “lâu dài” hay “nhất thời”?
Trong khi quá trình “xoay trục” đang tiếp tục diễn ra, vẫn còn đâu đó những quan ngại về khả năng tồn tại của chiến lược này. Nếu như chiến lược này phụ thuộc càng nhiều vào khả năng thuyết phục cá nhân của Tổng thống Obama, cũng như sự cần thiết phải tạo ra vỏ bọc chính trị để chính quyền Mỹ có thể rút quân khỏi khỏi Afghanistan và vì dân chúng Mỹ không muốn tham chiến nữa thì khả năng tiêu tan của chiến lược này càng hiển hiện một khi Tổng thống Obama rời Nhà Trắng, thậm chí có thể còn sớm hơn.
Chiến lược "xoay trục" có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Mỹ.
Chiến lược "xoay trục" có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Mỹ vì nó là cam kết của Mỹ về sự trở lại với các đồng minh Châu Á và là biện pháp đối phó với sự trỗi dậy từ Trung Quốc. Nếu sự xoay trục chỉ diễn ra trong thời gian ngắn hoặc các lãnh đạo Châu Á đánh giá sự xoay trục này thỏa đáng, chiến lược này của Mỹ có thể bị phá sản. Nếu như sự chuyển hướng của Mỹ chỉ là lý do để rút khỏi Afghanistan hơn là sự can dự lâu dài của Mỹ ở Châu Á, thì những lời chỉ trích “xoay trục” của Mỹ chỉ là một "con hổ giấy" là hoàn toàn chính xác.
Hậu quả thất bại của “xoay trục” là điều chưa thể xảy ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Một kịch bản được chú ý và có nhiều khả năng xảy ra nếu sự xoay trục thất bại là sự lan rộng của chủ nghĩa cực đoan tại Pakistan và sau đó là Ấn Độ, một phiên bản mới của học thuyết domino. Khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan rất dễ tái diễn và Mỹ cần nhớ đây là hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một vấn đề được nữa là nguồn nhiên liệu khổng lồ phục vụ cho sự trỗi dậy của các cường quốc mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ bị tác động thế nào bởi sự dễ tổn thương và yếu ớt của khu vực Trung Đông và Pakistan? Trong lúc Mỹ vẫn đang triển khai những bước đi lớn cho xoay trục thì câu hỏi này thường bị chính quyền Tổng thống Obama bỏ qua và vấn đề này sẽ còn tiếp tục được đặt ra với tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)