Mâu thuẫn gay gắt hủy hoại hòa đàm về Syria

Google News

(Kiến Thức) - Hòa đàm về Syria đã bị trì hoãn và có nguy cơ bị đổ vỡ do mâu thuẫn gay gắt giữa các bên về thành phần tham dự các vòng đàm phán.

Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, quân nổi dậy Syria và người Kurd đều tỏ ra không khoan nhượng trong vấn đề thành phần tham dự các cuộc hòa đàm về Syria.
Mau thuan gay gat huy hoai hoa dam ve Syria
Vòng đàm phán quốc tế về Syria ở Geneva, Thụy Sĩ.
Việc các bên tranh chấp chưa giải quyết được vấn đề bên nào có đủ tư cách ngồi vào bàn đàm phán... cho thấy khó khăn của việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Syria, với việc LHQ không đạt được mục tiêu bắt đầu hòa đàm vào ngày 25/1.
Tuy cuối cùng cũng chịu ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ Syria, nhưng Ả-rập Xê-út  vẫn giữ nguyên lập trường cố hữu là lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Iran, một nước ủng hộ chủ chốt của chế độ Assad và là đối thủ của Ả-rập Xê-út, đã lên án cuộc hòa đàm này. Còn người Kurd ở Syria – một trong những lực lượng chủ lực đánh IS – lại không được mời tham gia đàm phán về tương lai đất nước mà họ đang sống.
Kết quả đàm phán phụ thuộc vào cục diện chiến trường
Một trong  những vấn đề gây tranh cãi là vai trò của nhóm Ahrar al-Sham - một trong những lực lượng quân sự Hồi giáo mạnh nhất, có quan hệ gần gũi với Mặt trận al-Nusra (có liên kết với Al-Qaeda) và Jaish al -Islam (Quân đội của Hồi giáo được Ả-rập Xê-út hậu thuẫn).
Nga và chính phủ Syria cực lực phản đối sự tham gia đàm phán của hai nhóm phiến quân nước mạnh nhất được nước ngoài hậu thuẫn và gọi đây là hai nhóm “khủng bố” . Không những thế, máy bay Nga còn  không kích, tiêu diệt thủ lĩnh tối cao của nhóm Jaish al-Islam được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn.
Do tất cả các bên đều không chịu lùi bước, việc thỏa thuận một danh sách các bên ngồi vào bàn đàm phán xem ra là gần như “bất khả thi”, ngoại trừ việc gạt Mặt trận Al-Nusra và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi danh sách.  
Phe đối lập Syria cáo buộc Nga “áp đặt” về việc nhóm nào có thể tham gia cuộc đàm phán. Ngày 23/1, một tuyên bố chung của 45 nhóm nổi dậy và  đối lập tuyên bố Nga không có quyền quyết định về việc bất kỳ nhóm đối lập Syria nào đủ tư cách tham gia đàm phán hay không.  Phe đối lập cũng đòi Nga ngừng ném bom ở Syria và cho phép hàng hóa viện trợ tiếp cận các khu vực bị bao vây.
Trong khi đó, quân chính phủ Syria – với sự yểm trợ hỏa lực rất mạnh của Không quân Nga – đã liên tiếp giành chiến thắng trên nhiều mặt trận. Chính vì vậy mà Tổng thống Assad tính toán rằng các cuộc đàm phán thực sự sẽ diễn ra không phải là ở Geneva, mà là trên chiến trường.  Thay vì đàm phán với nhiều nhóm nổi dậy, chính phủ Syria quay ra đàm phán với lực lượng dân quân địa phương như những gì đã xảy ra ở Homs và Zabadani.
Trong khi đó, quân đội Syria vẫn tiến đánh các nhóm được chiến binh thánh chiến nước ngoài hậu thuẫn và tuyên bố chưa thể chấm dứt chiến sự, chừng nào đám lính đánh thuê này bị tống cổ khỏi Syria.
Vấn đề người Kurd ở Syria
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Ankara hôm 23/1 để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chống đối  lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn tham gia các cuộc đàm phán về Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi đảng PYD của Kurd và cánh vũ trang YPG là “một nhóm khủng bố” có quan hệ mật thiết với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK).
Trong khi đó, các lực lượng người Kurd ở Syria được công nhận rộng rãi là lực lượng mặt đất chiến đấu chống IS hiệu quả nhất.  Tuy nhiên, Ankara đã đe dọa rút khỏi cuộc đàm phán nếu có sự tham gia của PYD. Về phần mình, Nga quả quyết rằng phải có sự tham dự của PYD trong các vòng đàm phán.
Chủ tịch PYD Saleh Muslim  đã thẳng thừng tuyên bố rằng các cuộc đàm phán hòa bình về Syria sẽ thất bại, nếu không có sự tham gia của người Kurd.
Nhà phân tích các vấn đề người Kurd Wladimir van Wilgenburg tại Jamestown Foundation nói với DW: "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm tất cả để ngăn chặn PYD tham gia đàm phán hòa bình về Syria, mặc dù đây là những đối tác chính của Mỹ chống lại Nhà nước Hồi giáo. Bằng cách làm này, Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy PYD/ YPG vào vòng tay của Nga, một điều mà Mỹ muốn ngăn chặn”.
Vấn đề người Kurd trở nên ngày càng phức tạp, khi YPG  đang mở rộng sự kiểm soát các vùng lãnh thổ ở Syria, dưới sự yểm trợ của cả không quân Mỹ lẫn không quân Nga.
Phần lớn các nhóm đối lập người Ả-rập và Hồi giáo cũng chống lại sự tham gia của người Kurd trong cuộc đàm phán hòa bình. Họ cáo buộc của người Kurd có quan hệ gần gũi với chế độ Assad và theo đuổi chương trình nghị sự thế tục. Trong cuộc nội chiến Syria, người Kurd đã tạo ra các khu tự trị ở phía bắc nước này. Phe đối lập cho rằng đây là tiền thân của một nhà nước độc lập của người Kurd.
Người Kurd ở Syria đang liên minh với một số nhóm của Quân đội Syria Tự do,  nhưng đã đụng độ với  các nhóm Ahrar al-Sham, Mặt trận al-Nusra và các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Minh Châu (Theo DW)

Bình luận(0)