Để đối phó hữu hiệu với thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông, các bên hữu quan cần phải nhận ra những mưu đồ thâm hiểm
thâu tóm Biển Đông của Bắc Kinh.
|
"Rồng" Trung Hoa đe dọa Biển Đông và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
|
Từ nhận thức rõ thách thức và nguy cơ…
Cần phải nhận thức rõ những gì Trung Quốc đang làm và điều này có ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích của các quốc gia ven Biển Đông, của Mỹ và các bên hữu quan khác. Hình ảnh vệ tinh mới nhất đã khẳng định những gì mà người ta đã biết từ lâu: Bắc Kinh đang xây dựng căn cứ quân sự trên các “đảo nhân tạo” và một số căn cứ có thể được sử dụng cho mục đích tấn công chống lại các quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đó là các đường băng sân bay, các đơn vị đồn trú, pháo phòng không và pháo mặt đất, radar và thiết bị thông tin liên lạc. Các căn cứ quân sự này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường tuần tra vùng biển xung quanh và giám sát hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền. Qua đó, Trung Quốc quyết đoán hơn trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền Biển Đông và đe dọa các bên tuyên bố chủ quyền khác.
Việc Trung Quốc “quân sự hóa” các “đảo nhân tạo” mà nước này bồi đắp trái phép là hành động gây mất ổn định và vi phạm cam kết của nước này đối với các nước láng giềng. Điều này rõ ràng trái ngược với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với với ASEAN năm 2002, trong đó kêu gọi các bên tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp và leo thang tranh chấp cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định.
|
Bắc Kinh xây dựng đường băng dài 3.000m trên Đá Chữ Thập, cho phép hầu hết các loại chiến đấu cơ Trung Quốc cất hạ cánh.
|
Hành động “quân sự hóa” Biển Đông của Trung Quốc cũng đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông cũng có thể thúc đẩy các bên yêu sách khác tăng cường sức mạnh quân sự, qua đó dẫn đến quân sự hóa cả khu vực. Đây không phải là một Châu Á mà Washington và các đồng minh trong khu vực mong muốn.
…đến đối phó thách thức Trung Quốc
Nếu bước đầu tiên là nhận ra thách thức và nguy cơ, thì bước thứ hai là phải có các biện pháp đối phó thích hợp.
Mục tiêu ở đây không chỉ dừng lại ở việc trì hoãn hoặc gây khó khăn cho việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông, mà còn phải ngăn chặn những hành động gây bất ổn của Bắc Kinh có thể dẫn đến quân sự hóa khu vực. Điều này đòi hỏi một loạt các hành động - từ vạch trần đến ngăn chặn các thủ đoạn của Bắc Kinh nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng quân sự ở Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Đồng thời, bên hữu quan phải coi thách thức này là bước đi mới nhất trong chiến lược quyết đoán hơn, rộng lớn hơn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, sự thay đổi của Trung Quốc từ bồi đắp sang xây dựng không hề làm giảm đi tính bất hợp pháp của các “đảo nhân tạo” ở Biển Đông. Hoạt động bồi đắp xây dựng “đảo nhân tạo” của Trung Quốc rõ ràng vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cộng đồng quốc tế cần phải tiếp tục nhấn mạnh điều này - thông qua tuyên bố ngoại giao, các hành động pháp lý hoặc Mỹ chuyển hướng hoạt động đến gần các “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc bồi đắp xây dựng. Tương tự, việc tập trung vào các cơ sở quân sự mới cũng không được làm xao nhãng phản ứng về kế hoạch tiếp theo của Trung Quốc, trong đó có mưu đồ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Cuối cùng, điều quan trọng là các bên hữu quan cần coi vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề riêng biệt mà là một phần của thách thức to lớn hơn của một Trung Quốc trỗi dậy trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang thay đổi. Điều đó có nghĩa là Washington và các bên hữu quan cần phải suy nghĩ thấu đáo về việc xác định trình tự, hiệu chỉnh và cân đối các hành động khác nhau về vấn đề Biển Đông và đối phó với Trung Quốc nói chung.
Đông Nam Á cần phản ứng kịp thời và thích hợp
Căn cứ quân sự trên các “đảo nhân tạo” cho phép Trung Quốc tiến xa hơn và thường xuyên hơn đến phía nam của cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò), đụng chạm đến quyền lợi của Malaysia - một bên yêu sách chủ quyền Biển Đông – và các bên liên quan khác như Indonesia.
|
Bán kính hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc, sau khi Trung Quốc có sân bay "dân sự" ở quần đảo Trường Sa.
|
Các quốc gia Đông Nam Á cần phải xem xét những hành vi của Trung Quốc, bao gồm cả hành động ở Biển Đông, để kịp thời biết rõ mưu đồ của “cường quốc đang lên” này và từ đó có phản ứng thích hợp.
Bắc Kinh rõ ràng đang áp dụng một chiến lược hai mặt đối với Đông Nam Á. Đó là tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế với một số nước ASEAN để lôi kéo các nước này vào quỹ đạo của Trung Quốc, trong khi sử dụng sức mạnh quân sự - thậm chí dùng vũ lực nếu cần thiết - để đe dọa các nước khác và hiện thực hóa cái gọi là “lợi ích cốt lõi” của nước này ở Biển Đông. Một Trung Quốc mạnh mẽ hơn sẽ tìm cách thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi hơn cho Bắc Kinh, đồng thời làm giảm đáng kể các đòn bẩy mà ASEAN hiện có trong tay.
Cũng giống như ở Biển Đông, Trung Quốc thường sử dụng chiến lược hai mặt “ve vãn và đe dọa” (cây gậy và củ cà rốt), với hy vọng giành được nhiều lợi thế tăng theo thời gian, trong khi giảm thiểu thiệt hại trong quan hệ với khu vực Đông Nam Á.
Liệu khu vực Đông Nam Á có phản ứng kịp thời và đầy đủ trước thách thức này? Cho đến nay, ASEAN - trên cương vị một hiệp hội thống nhất - vẫn chưa có phản ứng đủ mạnh để cho các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh thấy rằng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của họ cuối cùng sẽ thất bại.