Trong ngày 24/6, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng, ông đã yêu cầu Thượng viện nước này bãi bỏ quyền can thiệp quân sự vào Ukraine, một đặc quyền được phê chuẩn cho ông ngày 1/3.
Trong bức thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện Nga) Valentina Matvienko, ông Putin bày tỏ rằng, động thái này là “nhằm bình thường hoá và ổn định tình hình miền đông Ukraine”. Theo sau đó, các nhà lập pháp nước này thông qua kiến nghị của ông Putin với kết quả bỏ phiếu là 153-1.
Thị trường chứng khoán Nga cũng tăng mạnh trước thông tin này. Cộng đồng quốc tế tán dương động thái trên như là một bước hướng tới hòa bình trong khu vực hay ít nhất là một tiến chuyển quan trọng nhằm xuống thang tình hình ở đông Ukraine.
|
Đoàn xe bọc thép của quân đội Nga diễu hành trên đường phố thành phố Tula. (Ảnh minh họa)
|
Cùng với đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, ông rất “vui mừng” (trước khi nói thêm rằng, “điều này có thể bị đảo ngược trong vòng 10 phút) với quyết định hủy quyền can thiệp quân sự vào Ukraine của Thượng viện Nga.
Với bước đi trên, nhiều chuyên gia phân tích tỏ ra lạc quan về kết quả của kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khởi xướng. Một phần phản ứng lạc quan này có lẽ xuất phát từ các công ty có lợi ích thương mại ở Nga. Họ lo ngại, hoạt động sản xuất kinh doanh của mình sẽ chịu thiệt hại một khi các lệnh trừng phạt (có thể) được các nước phương Tây thông qua.
Tuy nhiên, các tín hiệu tích cực từ Nga có thể không hoàn toàn khả quan như mọi người vẫn tưởng. Theo trang báo Vedomosti, trích dẫn một nguồn tin nội bộ Bộ Quốc phòng Nga, ông Putin hoàn toàn nắm giữ quyền đưa quân đội sang nước ngoài. Sở dĩ có điều này là bởi vì cựu Tổng thống và giờ là Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, người đã yêu cầu và nhận quyền từ chính Thượng viện Nga để điều động binh sĩ tới bất cứ nơi đâu trên thế giới. Báo trên cho hay, Nga vẫn có quyền pháp lý để gửi quân ra nước ngoài trong thời gian vĩnh viễn.
Tờ Vedomosti nhận định, việc gửi quân ra nước ngoài vẫn còn nằm trong luật pháp của nước Nga bất chấp quyết định hủy quyền can thiệp quân sự dành cho Tổng thống Putin. Thực tế, tất cả điều ông Putin đã làm là bãi bỏ phần mở rộng của một quyền trước đây đã được cấp và quan trọng hơn, quyền này vẫn còn hiệu lực. Do vậy, chính quyền của ông Putin vẫn có thể công khai điều động quân đội sang Ukraine mà không cần tham khảo ý kiến với Quốc hội.
Xét ở một mặt khác, động thái chủ động hủy quyền can thiệp quân sự của Tổng thống Putin lại đến vào một thời điểm thích hợp. Lúc này, các chính quyền phương Tây đang đe dọa sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới chống lại Moscow để ủng hộ cho
kế hoạch hòa bình của ông Poroshenko. Trong khi các lệnh trừng phạt cũ vốn chỉ cấm cấp visa, đóng băng tài sản của các cá nhân thì lệnh mới (có thể được công bố trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels). Tuy nhiên, nhờ vào quyết định hủy quyền can thiệp quân sự trên mà phương Tây bây giờ có thể hoãn áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt mới lên Nga.