Kể từ khi video về tân binh Đông Nam Á chiến đấu cho IS được đăng tải cách đây hai năm, các nhóm khủng bố tuyên thệ trung thành với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đã lây lan rộng trong khu vực này.
Một vài nhóm phiến quân ở Indonesia đã tuyên thệ trung thành với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), trong khi ở Malaysia, đám "sói đơn độc" cảm tình với IS đã ráo riết hoạt động trên phương tiện truyền thông xã hội. Hàng trăm công dân Đông Nam Á hiện đang đánh nhau cho IS ở Syria và Iraq, nơi mà họ đã hình thành cái gọi là “Katibah Nusantara”, tự tuyên bố đại diện cho khu vực Đông Nam Á chiến đấu vì sự nghiệp của Nhà nước Hồi giáo.
|
Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố Malaysia và Philippines là những mục tiêu tấn công tiếp theo. Ảnh en.alalam.ir |
Sự bùng nổ của các hoạt động liên quan đến IS ở miền nam Philippines đã khiến cho giới phân tích e ngại rằng Đông Nam Á đang đứng trước nguy cơ bị những kẻ khủng bố biến khu vực thành một “wilayat” (tỉnh) của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.
“Khu bảo tồn khủng bố” ở Philippines
Một “wilayat” ở Philippines có thể cung cấp nơi trú ẩn cho các phiến quân Đông Nam Á trở về từ các khu vực xung đột ở Trung Đông. Không chỉ là nơi trú ẩn, “wilayat” này còn tạo ra cơ hội để tập hợp, kết nối, xây dựng mạng lưới, đào tạo và lên kế hoạch tiến hành các hoạt động khủng bố trong khu vực. Đáng chú ý là hiện có nhiều bằng chứng cho thấy thực tế này đã tồn tại.
Thông qua kênh liên lạc, Bahrumsyah -lãnh đạo tự xưng là của "ISIS Indonesia" và hiện đang ở Syria - đã cố gắng mua súng từ các phiến quân Ansar Khalifah ở miền nam đảo Mindanao (Philippines) để chuyển giao cho nhóm phiến quân ủng hộ IS ở Poso, trên đảo Sulawesi của Indonesia.
Một “wilayat” sẽ đòi hỏi IS kiểm soát lãnh thổ. Nhóm khủng bố Abu Sayyaf, nhóm ủng hộ IS khét tiếng nhất ở Philippines, hiện đang cố thủ trên các hòn đảo phía nam Sulu và Basilan. Mặc dù đã tiêu tốn những khoản tiền khổng lồ và có giúp đỡ của các cố vấn đặc nhiệm Mỹ, trong hơn 15 năm qua, chính phủ ở Manila đã hầu như không thể làm suy giảm sức chiến đấu của nhóm Abu Sayyaf, chứ nói gì đến việc xua đuổi nhóm này khỏi miền nam Philippines.
Mảnh đất màu mỡ
Quản trị yếu kém và sự miễn cưỡng của các nhà lãnh đạo chính trị trong việc trấn áp những kẻ sử dụng tôn giáo để reo rắc thù hận và bạo lực đã tạo điều kiện cho các tư tưởng độc hại như ISIS có đất phát triển ở Đông Nam Á.
Đáng ngại là tính chất xuyên quốc gia của hiểm họa ISIS. Quần đảo Sulu của Philippines, nơi tập trung hoạt động của các nhóm khủng bố cực đoan, lại tiếp giáp với bang Sabah của Malaysia và đảo Sulawesi của Indonesia.
Khu vực dễ xâm nhập và được quản lý lỏng lẻo này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm khủng bố qua lại giữa ba nước Đông Nam Á nói trên. Qua thời gian, khu vực này cũng đã phát triển một nền kinh tế-chính trị “ngầm” liên quan đến nạn buôn người và buôn lậu vũ khí.
Chính thực tế này đóng góp một phần không nhỏ vào trong việc duy trì các hoạt động của mạng lưới phiến quân và khủng bố. Mặc dù các cơ quan an ninh ở Philippines, Indonesia, Malaysia, và Singapore đã thường xuyên chia sẻ thông tin, nhưng rõ ràng là chưa đủ để đối phó hiểm họa khủng bố.
Mối đe dọa Abu Sayyaf
Trong một thời gian dài, các lực lượng an ninh Philippines chỉ coi các nhóm khủng bố như Abu Sayyaf – nhóm đã tuyên thệ trung thành với cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS – là một nhóm ô hợp của bọn tội phạm và kẻ cướp. Chính phủ Philippines đã đánh giá thấp một cách nguy hiểm về mối đe dọa khủng bố của nhóm Abu Sayyaf .
|
Những tên "kẻ cướp ô hợp" trong nhómAbu Sayyaf đã tỏ ra là đối thủ đáng gờm của các lực lượng an ninh Philippines. Ảnh Liputan 6 |
Rõ ràng, Abu Sayyaf không phải là một tổ chức đồng nhất và có một số thành viên của nhóm này quan tâm đến tiền nhiều hơn ý thức hệ. Nhưng trên thực tế, những tên "kẻ cướp ô hợp" này đã tỏ ra là đối thủ đáng gờm của các lực lượng an ninh Philippines.
Một trở ngại lớn đối với các hoạt động chống nổi loạn và chống khủng bố ở miền nam Philippines là nạn tham nhũng trong quân đội Philippines. Theo một nghiên cứu Rand Corporation, Mỹ đã cung cấp 441 triệu USD, hỗ trợ cho quân đội Philippines trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến năm 2013 để chống Abu Sayyaf. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của nhóm khủng bố Abu Sayyaf trong thời gian đó lại không hề suy giảm. Nhóm Abu Sayyaf ngày nay đã trở nên mạnh hơn, chứ không hề yếu đi.
Hợp tác khu vực sẽ là cần thiết để đối phó với những hiểm họa phát sinh từ Sulu. Khu vực vô chính phủ và được quản lý lỏng lẻo này tiếp tục gây ra những thách thức lớn đối với khu vực và đòi hỏi sự hợp tác chống khủng bố đa quốc gia.
Khu vực Đông Nam Á hiện ở trong tầm ngắm của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và miền nam Philippines là hiện nay là mắt xích yếu nhất trong nỗ lực chung nhằm kiềm chế các mối đe dọa ngày càng tăng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo.