Các động thái ngoại giao gần đây của Nga đã khiến cho một số nhà phân tích nhận định rằng Moscow đang “qua mặt” Washington ở Trung Đông.
|
Đội máy bay chiến đấu Nga trên đường sang Syria đánh phiến quân Hồi giáo cực đoan. Ảnh Sputnik |
Trong bài viết gần đây đăng trên tạp chí The National Interest, cựu nhân viên CIA Paul Pillar nhấn mạnh: "Các bài học chúng ta nên rút ra từ chính sách của Nga tại khu vực này là cách thức một cương quốc bên ngoài có thể theo đuổi các mục tiêu và lợi ích của nó một cách thỏa đáng, khi cường quốc này sẵn sàng để làm việc với bất cứ ai, không chỉ với các quốc gia đồng minh và không để cho hận thù cũ hoặc khác biệt hiện nay ngăn cản các sáng kiến ngoại giao và hợp tác thiết thực”. Ông Pillar nói thêm rằng trong lĩnh vực này, "Nga thực sự dẫn điểm trước Mỹ”.
Bình luận về phát biểu của cựu nhân viên CIA Paul Pillar, nhà phân tích người Nga Boris Dolgov, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Arập và Hồi giáo tại Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng Nga đã thực sự quay trở lại Trung Đông.
Nhà phân tích Dolgov nói với Svobodnaya Pressa: "Dưới thời Liên Xô cũ, Trung Đông được coi là một đồng minh. Tình hình bây giờ đã khác. Tuy nhiên, Nga đã trở lại khu vực. Về các đồng minh, Syria là đối tác truyền thống (của Moscow)" .
Nhà phân tích Boris Dolgov chỉ ra rằng Nga có lợi ích riêng trong khu vực. Nga hiện đang khôi phục lại quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một nước chưa bao giờ được coi là đồng minh truyền thống của Nga. Mặt khác, điện Moscow luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Tehran, thể hiện qua việc triển khai máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 ở sân vay gần Hamedan trên lãnh thổ Iran.
|
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 của quân đội Nga. Ảnh Sputnik |
Tuy nhiên, nhà phân tích Dolgov nói rằng Moscow "sẵn sàng làm việc với bất cứ ai" trong khu vực vì "Nga có chương trình riêng ở Trung Đông". Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là Nga đã trở lại Trung Đông và tích cực theo đuổi mục tiêu của mình ở đó".
Nhà phân tích Nikolay Kozhanov làm việc tại Chatham House (một Học viện Hoàng gia về quan hệ quốc tế ở London), tán đồng ý kiến của nhà phân tích Dolgov và nhấn mạnh rằng Moscow đã trở lại thị trường vũ khí Trung Đông.
Ông Kozhanov nói: "Các thị trường vũ khí Trung Đông không phải là mới đối với nước Nga. Liên Xô từng xuất khẩu vũ khí cho Algeria, Ai Cập, Syria, Iraq, Iran, Libya, Sudan và Yemen. Nhưng sự sụp đổ của Liên Xô đã dẫn tới sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu vũ khí của Nga. Nhưng trong thập kỷ qua, (Nga) đã tăng đáng kể xuất khẩu vũ khí sang Trung Đông, một phần của một chiến lược rộng lớn hơn của Nga nhằm tái thiết lập vị thế một nước quan trọng trong khu vực". Ông Kozhanov nhấn mạnh thêm: “Cuộc chiến Syria đã hồi sinh xuất khẩu vũ khí Nga, khi vũ khí của nước này đã chứng minh độ tin cậy trên chiến trường”.
|
Cuộc chiến Syria đã hồi sinh xuất khẩu vũ khí Nga, khi vũ khí của nước này đã chứng minh độ tin cậy trên chiến trường. Ảnh Sputnik |
Vậy thì liệu Nga có đặt mục tiêu đánh bại Mỹ ở Trung Đông?
Nhà phân tích Dolgov khẳng định: "Không hề có một mục tiêu như vậy. Chúng tôi không cố vượt mặt Mỹ và phương Tây. Chính trị và địa chính trị có nghĩa là theo đuổi các mục tiêu rõ ràng. Mọi cường quốc đều hành động phù hợp với lợi ích của mình. Nga có lợi ích địa chính trị riêng ở Trung Đông. Đồng thời, Nga không cố chứng tỏ là mạnh mẽ hơn và tích cực hơn so với các bên hữu quan khác ở khu vực".
Ông Dolgov nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của Moscow là để chống lại Daesh (Nhà nước Hồi giáo IS) ở Trung Đông, bởi vì các nhóm khủng bố này đặt ra một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Nga. Có đến hàng ngàn người từ các nước thuộc Liên Xô trước đây đã gia nhập nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq. Ông giải thích: "Việc Moscow đánh bại Daesh, không cho phép nó lan rộng khắp Trung Á và Bắc Caucasus là vì lợi ích của chính nước Nga”.
Ông Dolgov cho biết Syria, Iraq và Iran hiện đang tạo thành một trục chống khủng bố trong khu vực và điều quan trọng là Moscow hợp tác với các nước đó để chống khủng bố từ xa, ở bên ngoài lãnh thổ của nước Nga.