Theo nhà bình luận chính trị Dmitry Kosirev của Sputnik, Bắc Kinh có thể tạo hiệu ứng tuyên truyền tối đa bằng phương tiện tối thiểu để chứng tỏ rằng trong bất kỳ vấn đề quốc tế nào, người ta không nên bỏ qua Trung Quốc.
|
Vì sao Trung Quốc đột ngột quan tâm đến Syria? Ảnh Sputnik |
Damascus đã đồng ý để Trung Quốc đào tạo binh lính Syria và quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ nhân đạo ở nước này. Và chỉ có vậy mà thôi.
Nhưng có một chi tiết khó bỏ qua. Lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới chứng kiến việc Iran cho phép triển khai máy bay quân sự của nước khác (Nga) trên trên lãnh thổ của mình nhằm thực hiện tấn công các nhóm khủng bố ở Syria. Phải nói rằng ngay cả dưới thời Quốc vương Shah, khi Tehran là đồng minh của Washington, chiến đấu cơ của Mỹ cũng không được phép đến nước này.
Ngoài việc Iran – đồng minh của Syria - cho phép máy bay Nga đồn trú trên lãnh thổ, Iraq cũng đã đồng ý cho không quân Nga bay qua không phận tới Syria. Hơn nữa, theo tờ báo lá cải Global Times của Trung Quốc, có thông tin "chưa được xác nhận" về việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể đồng ý cho máy bay Nga đóng căn cứ trong lãnh thổ nước này. Liên minh như thế này quả là cơn ác mộng đối với Mỹ.
Những diễn biến tình hình gần đây đã khiến cho Trung Quốc thay đổi chính sách đối với Syria và Trung Đông. Trước đây, chính sách này vô cùng lạnh nhạt và đầy đắn đo toan tính.
Vậy có điều gì đã thay đổi ? Đó là Iran. Đất nước này đã thoát khỏi lệnh trừng phạt và nhanh chóng củng cố trên mọi mặt. Cán cân quyền lực đã thay đổi, việc xích lại gần với người chiến thắng trở nên có ý nghĩa. Đó là chưa kể Trung Quốc nhận được rất nhiều dầu từ Iran.
Có thể giả định rằng người Trung Quốc đã biết sớm hơn những người khác việc máy bay ném bom của Nga sẽ được triển khai ở Iran. Họ cũng biết đến những bước dài lặng lẽ trong quá trình hồi phục quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh này, Trung Quốc cần tích cực chủ động trong khu vực nói chung và ở Syria nói riêng. Đó chính là xuất phát điểm chuyến thăm của đô đốc Trung Quốc đến Syria.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tỏ ra thực sự quan tâm đến Trung Đông, bắt đầu đầu tư vào khu vực này giống như những gì họ đã làm ở châu Phi. Nhưng để làm được điều đó, cần phải ngăn chặn mọi cuộc cách mạng và những cuộc chiến tranh khác.
Cũng có thể giả định rằng Trung Quốc rất quan tâm đến việc thủ tiêu hết chiến binh thánh chiến ở Syria và Iraq. Bởi vì trong hàng ngũ thánh chiến có cả các thành viên nhóm khủng bố Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan của những người Uighur ở phía tây bắc Trung Quốc. Trên thực tế, có thể thấy rõ Trung Quốc là một trong những quốc gia lấy làm mừng vì những kẻ khủng bố từ nước họ đến Syria và Iraq “một đi không trở lại”, không thể trở về nước gây bạo loạn.
Minh Châu (Theo Sputnik)