Hôm 22/6, CHDCND Triều Tiên đã phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan (Hwasong-10) sử dụng nhiên liệu lỏng. Đây là vụ phóng thử tên lửa Musudan thứ 5 và ths 6 trong năm nay. Các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan bắt đầu vào giữa tháng tư, trùng với dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch lập quốc Kim Il-sung, ông nội của nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-un. Tất cả 4 vụ phóng thử trước đó đều thất bại vào lúc khởi động hoặc ngay sau khi phóng.
|
Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan trong cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng. Ảnh EPA |
Vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan lần thứ 5 trong ngày 22/6 cũng thất bại, mặc dù tên lửa đã bay xa hơn so với các vụ thử rước đó.
Chỉ có vụ thử Musudan thứ 6 mới được cho là thành công. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ghi nhận tên lửa Musudan đã bay lên tới độ cao hơn 1.000 km và với “tầm bắn” cách bãi phóng gần thành phố Wonsan khoảng 400 km.
Việc tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan leo lên tới độ cao trên 1.000 km là một cột mốc đáng lo ngại, đặc biệt khi Bình Nhưỡng lắp các đầu đạn hạt nhân thu nhỏ mới vào tên lửa.
“Tầm bắn” 400 km khiến người ta dễ hiểu nhầm vì nếu tên lửa Musudan được phóng lên với góc độ nhỏ hơn, tầm bắn tối đa của nó sẽ là 3.500 km.
Thật vậy, vào sáng 23/6 – một ngày sau các vụ phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố vụ thử tên lửa thành công mỹ mãn và nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng giờ đây đã có thể tấn công các mục tiêu của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương như ở Guam và những nơi khác.
Có vẻ như nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất hài lòng với việc tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan có thể leo lên đến độ cao hơn 1.000 km, trong phạm vi 400 km.
Tuyên bố ngày 23/6 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng giúp giải thích lý do vì sao CHDCND Triều Tiên quyết tâm phóng thử tên lửa Musudan, mặc dù đã nhiều lần thất bại trong năm nay. Ông Kim Jong-un cần chứng minh rằng Triều Tiên có thể chế tạo được các loại tên lửa đạn đạo không chỉ có thể tấn công Guam ở Thái Bình Dương mà còn tấn công vào sâu trong lãnh thổ Mỹ.
Có tin nói, Triều Tiên đã có trong tay các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 và KN-14 có khả năng tấn hầu hết các lục địa Mỹ. Chỉ có điều, hai loại tên lửa đạn đạo này chỉ được đem ra diễu binh nhưng chưa một lần được phóng thử.
Chuyên gia Jeffrey Lewis, một nhà quan sát Triều Tiên tại Trung tâm không phổ biến vũ khí hạt nhân Martin lưu ý: "Nếu chúng ta không làm gì cả, điều này sẽ dẫn đến việc Bắc Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 ".
Vụ Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan chính là một lời nhắc nhở cho các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ và trong khu vực về việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục tiến bộ vững chắc trong các chương trình tên lửa-hạt nhân của nước này.
Tuyên bố ngày 23/6 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy việc thử nghiệm tên lửa Musudan đã được hoàn tất thành và Bình Nhưỡng có thể tiếp tục thử nghiệm các loại tên lửa “khủng” hơn trong kho vũ khí của nước này.
Kịch bản ác mộng đối với thế giới là Bình Nhưỡng sử dụng các thành tựu đạt qua các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan vào việc thử nghiệm tên lửa liên lục địa ICBM KN-08 , với một vụ nổ hạt nhân trong khí quyển.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ Trung-Triều “cơm chẳng lành, canh không ngọt” như hiện nay, Bình Nhưỡng có thể chỉ giới hạn trong việc thử tên lửa Musudan, sau khi chứng minh được khả năng tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Guam bằng vũ khí hạt nhân. Vào thời điểm nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn vì các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc và nông nghiệp thất bát, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có nhiều rất lý do để tập trung ưu tiên và các nguồn lực hạn hẹp cho lĩnh vực kinh tế.