Trong một bài viết đăng trên trang mạng Asia Times về liên minh Nga-Iran ở Syria, cựu đại sứ Ấn Độ MK Bhadrakumar đặt câu hỏi: Vì sao Iran cần phải có một cuộc họp tay ba như vậy vào thời điểm này?
|
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehqan (phải) trao đổi văn kiện hợp tác quân sự song phương. Ảnh Washington Times |
Hầu như tất cả mọi thứ mà người ngoài biết về sự kiện này là do các phương tiện truyền thông Iran dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này là Tướng Hossein Dehqan. Tướng Dehqan nhấn mạnh rằng cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng Nga-Iran-Syria tại Tehran tập trung vào xung đột ở Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Iran nhấn mạnh những điểm chính sau đây:
• Nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột Syria là do chính sách “hung hăng và bành trướng” của Mỹ, Ả-rập Xê-út, Israel và một số quốc gia khác trong khu vực.
• Mỹ và các đồng minh trong khu vực đã không trung thực trong cuộc chiến chống khủng bố;
• Có một "âm mưu nguy hiểm" đang được tiến hành nhằm mục đích gây bất ổn khu vực, kích động ly khai và phá hoại chủ quyền quốc gia của Syria;
• Chương trình nghị sự của Iran luôn tìm cách tiến hành "một cuộc chiến toàn diện" chống lại chủ nghĩa khủng bố và sẽ duy trì cách tiếp cận đó;
• Iran triệu tập cuộc họp tay ba vừa qua để thảo luận về sự cần thiết của việc "hành động quyết định, nhanh chóng, toàn diện và phối hợp với nhau” chống lại các nhóm khủng bố ở Syria.
Cuộc họp cấp bộ trưởng quốc phòng Nga-Iran-Syria ở Tehran đã diễn ra trong bối cảnh có những tin đồn rằng cách tiếp cận tình hình Syria của Nga và Iran có nhiều điểm không trùng hợp. Một số phương tiện truyền thông Iran thậm chí còn lên tiếng chỉ trích Nga đã làm chùng các hoạt động quân sự của nước này ở Syria.
Trong khi đó, phía Nga đã tiết lộ rất ít về cuộc họp tay ba tại Tehran. Bộ Quốc phòng Nga chỉ cho biết cuộc họp thảo luận về "các biện pháp ưu tiên để tăng cường hợp tác" chống các nhóm cực đoan và "sáng kiến an ninh" nhằm ngăn chặn các nhóm thánh chiến "tiến hành các chiến dịch lớn hơn”.
Chiến dịch tấn công Raqqa “có vấn đề”
Tuy nhiên, bốn ngày sau cuộc họp tay ba Nga-Iran-Syria ở Tehran, hãng tin Nga Sputnik ngày 13/6 đã đăng tải một bài bình luận thú vị, phân tích cán cân lực lượng ở Syria.
Bài bình luận nhấn mạnh rằng Các lực lượng chính phủ Syria hiện đang bị quá tải, bị căng ra trên nhiều mặt trận và không một ai mong đợi chiến thắng quân sự ở Raqqa hoặc Aleppo trong tương lai gần. Bài bình luận lưu ý rằng các đơn vị thiện chiến nhất của Syria đã được điều chuyển đến mặt trận Raqqa, trong khi các mạng lưới thông tin liên lạc-hậu cần là quá mỏng và dàn trải ở chiến trường Aleppo.
Bài bình luận đăng trên Sputnik cảnh báo rằng chiến dịch tấn công về hướng Raqqa chỉ phục vụ cho lĩnh vực tuyên truyền, nhưng lại tiêu tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực, trong khi tại nhiều mặt trận khác "tình hình có thể xấu đi bất cứ lúc nào”.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Moscow không tán thành sự tự tin thái quá của Tehran và Damascus về tình hình tổng thể ở Syria. Rõ ràng, phía Nga tỏ ra khá thận trọng, trong khi Damascus và Tehran đang “bốc đồng” với một số chiến thắng nhất thời.
Việc Nga muốn có một lệnh ngừng bắn là điều dễ hiểu, trong khi Iran và Syria lại cho rằng thỏa thuận ngừng bắn chỉ giúp phe đối lập phục hồi và tái chiếm một số vùng lãnh thổ bị mất.
Iran lo Nga sập bẫy “Kế hoạch B” của Mỹ về Syria
Trên thực tế, chỉ với sự hỗ trợ hữu hiệu của Nga, chính phủ Syria mới có thể củng cố quyền kiểm soát ở Damascus, Homs và Hama và giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở tỉnh Aleppo. Chính phủ của Tổng thống Assad không thể ra đòn quyết định chống phe đối lập, ngoại trừ ở các vùng phía tây của Syria.
Trong khi đó, Nga tỏ vẻ miễn cưỡng trước những lời kêu gọi gánh chịu thêm chi phí cho nỗ lực của chính phủ Syria trong mưu đồ giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước.
Qua những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Dehqan, người ta thấy rằng Tehran đang lo lắng về các mối “quan hệ làm việc” mà Moscow đang duy trì với Mỹ và Israel.
Iran và Syria vô cùng lo ngại trước khả năng Mỹ và các đồng minh tiến hành “kế hoạch B” và Moscow có thể rơi vào cái bẫy của Washington.
Sự xuất hiện gần đây ở Syria của lực lượng đặc biệt Anh và Pháp khiến cho Tehran và Damascus có lý do lo ngại về mưu đồ chia cắt Syria của phương Tây. Iran và Syria không bao giờ chấp nhận mưu đồ chia cắt lãnh thổ Syria của các cường quốc bên ngoài và các nhóm “ủy thác” của họ.
Trong khi đó, Nga muốn làm việc với Mỹ ở Syria để mở ra một cuộc đối thoại rộng hơn nhằm giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương. Thế nhưng, theo Stratfor, "Washington không cảm thấy phải có những nhượng bộ đáng kể đối với Nga về các vấn đề khác”.
Nói tóm lại, Iran dường như đã cảm thấy sự cấp bách phải rung chuông báo động rằng cả Nga, Iran và Syria không có sự lựa chọn nào khác vì đang ngồi chung trên cùng một con thuyền. Hiện vẫn chưa rõ, liệu hồi chuông báo động được rung lên ở Tehran có lọt tai những người cần lắng nghe ở Moscow hay không?