Trung Quốc phát tín hiệu “khó hiểu” về vụ kiện Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Hành vi của Trung Quốc liên quan đến phán quyết sắp tới của Tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là “khó hiểu”.

Đó là nhận định của ông Delfin Lorenzana, người được đề cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Philippines dưới thời Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte.
Trung Quoc phat tin hieu “kho hieu” ve vu kien Bien Dong
Tướng về hưu Delfin Lorenzana, người được đề cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Philippines trong chính quyền của Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte. Ảnh Nikkei Asian Review 
Trong năm 2013, Philippines đã đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague kiện tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong phạm vị cái gọi là “đường chín đoạn” ở Biển Đông. Với tuyên bố chủ quyền tham lam phi pháp với cái bản đồ còn được gọi là “đường lưỡi bò” , Trung Quốc mưu toan chiếm hữu gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, nơi có khối lượng thương mại thế giới trị giá 5.000 tỷ USD qua lại.
Tại Quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã đánh chiếm 7 bãi đá ngầm và rạn san hô và bồi đắp thành “đảo nhân tạo” để xây dựng các tiền đồn quân sự và các đường băng sân bay lớn. Tất cả các động thái trên của Trung Quốc là nhằm củng cố yêu sách chủ quyền vô cùng phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tướng về hưu Delfin Lorenzana, người được đề cử giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Philippines dưới thời Tổng thống Duterte, nói với Nikkei Asian Teview: "Trung Quốc đang gửi chúng ta tín hiệu lẫn lộn. Mặc dù tuyên bố sẽ không tuân theo phán quyết (của PCA về Biển Đông), nhưng họ cũng muốn chúng ta (Philippines) rút đơn kiện hoặc trì hoãn việc PCA đưa ra phán quyết... Nếu họ (Trung Quốc) không công nhận phán quyết của PCA , thì vì sao họ lại còn bận tâm đến những gì sẽ xảy ra ngày hôm nay hay ngày mai”.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague. Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tái khẳng định lập trường nói trên trong một cuộc họp không chính thức với các đối tác đến từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại Viêng Chăn.
Bộ Ngoại giao Philippines không bình luận gì, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao được đề cử Perfecto Yasay nói rằng ông chờ đợi phán quyết của PCA trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.
Thị trưởng Davao Rodrigo Duterte, người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 9/5, sẽ nhậm chức trong ngày 30/6/2016. Chính quyền Philippines sắp lên cầm quyền này khá kín tiếng về những động thái tiếp theo của họ, trong khi chờ đợi PCA ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông, có thể được đưa ra vào cuối tháng này.
Tướng về hưu Lorenzana nói: "Các luật sư đã khuyến cáo rằng một khi nhận được phán quyết (của tòa án PCA), chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, trước khi làm bất cứ điều gì. Tôi đã cảnh báo một số thành viên của chính quyền Duterte, đặc biệt là Bộ trưởng Yasay, rằng không được đàm phán song phương với Trung Quốc, trước khi chúng ta thấy những gì chứa trong phán quyết của PCA”.
Các nhà phân tích cũng có quan điểm khác nhau về hành vi của Trung Quốc. Nhà phân tích Richard Heydarian, một chuyên gia về địa chính trị Châu Á tại Đại học La Salle De ở Manila, nói: "Trung Quốc chắc chắn là đang hoảng loạn. Trung Quốc sẽ bị coi là chà đạp lên luật pháp quốc tế, nếu Bắc Kinh từ chối tuân theo phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực và điều này sẽ là một thảm họa đối với sức mạnh mềm của một quốc gia đang mưu đồ lãnh đạo khu vực”.
Nhưng nhà phân tích Ian Storey, một thành viên cao cấp của Viện Yusof Ishak ở Singapore, lại nói:
"Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rất rõ ràng là Tòa án Trọng tài Thường trực không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này. Bắc Kinh cho rằng vụ kiện này mang động cơ chính trị và Trung Quốc sẽ không công nhận cũng như không tuân thủ phán quyết này (của PCA). Phản ứng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nội dung của phán quyết của PCA và liệu Tổng thống đắc cử Duterte có kêu gọi Trung Quốc tuân thủ đầy đủ và đe dọa tiến hành các biện pháp pháp lý hơn nữa”.
Bất kể kết quả của vụ kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc (PCA), chính quyền Duterte sẽ vẫn củng cố khả năng phòng thủ của đất nước. Tướng Lorenzana cho biết chính phủ Duterte sẽ dựa vào các khoản đầu tư và và liên minh được ký kết dưới thời Tổng thống đang mãn nhiệm Benigno Aquino. Xây dựng năng lực hải quân của Philippines cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Duterte.
Trong nhiệm kỳ của ông, Tổng thống Aquino đã tăng ngân sách quốc phòng và bắt đầu thực thi kế hoạch chi tiêu 75 tỷ peso (1,61 tỷ USD) trong giai đoạn 2013-2017 để hiện đại hóa quân đội Philippines. Ông cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường với Washington, mở đường cho sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở Philippines. Chính quyền Aquino cũng tìm cách tăng cường hợp tác quân sự hơn nữa với Nhật Bản.
Tướng về hưu Lorenzana, một cựu tùy viên quân sự Philippines tại Washington, cho biết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường Mỹ-Philippines sẽ được thực thi dưới sự giám sát của ông. Trong hai năm tới, quân đội Mỹ có thể bắt đầu xây dựng căn cứ ở ít nhất năm địa điểm ở Philippines. Các căn cứ khác mà phía Mỹ đề xuất sẽ được nghiên cứu cẩn thận.Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Duterte đã bắt
đầu các cuộc hòa đàm với người Hồi giáo và phiến quân cánh tả. Thành công trong những nỗ lực này sẽ cho phép chính phủ Duterte đặt trọng tâm vào việc giải quyết các vấn đề khác.
Ông Duterte nói rằng các cuộc nổi dậy “đang ngốn sức mạnh của chúng ta, khi chúng ta đang tập trung nguồn lực cho phát triển. Chúng ta có thể tập trung sự chú ý vào các vấn đề khác như Biển Đông, ma túy và tội phạm".

Minh Châu (Theo Nikkei Asian Review)

Bình luận(0)