Hành động ngang ngược của Trung Quốc với Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan khổng lồ vào hải phận Việt Nam, in và lưu hành bản đồ đường lưỡi bò; tấn công, truy đuổi tàu cá Việt Nam, tấn công tàu cá ở Hoàng Sa...

Ngang nhiên kéo giàn khoan khổng lồ vào lãnh hải Việt Nam
Ngày 3/5, trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc đã đưa cảnh báo hàng hải số 14033 về việc giàn khoan Hải dương 981 (HD 981) “tác nghiệp tại Nam Hải”.
Cảnh báo này cho biết, từ ngày 2/5 đến 15/8, giàn khoan HD 981 sẽ hoạt động tại tọa độ 15 0 29’N/111 0 12’E. Cấm tất cả các loại phương tiện không được xâm nhập vào khu vực HD 981 hoạt động trong phạm vi bán kính 1 hải lý.
Giàn khoan nước sâu Hải dương 981 của Trung Quốc.
Đối chiếu theo tọa độ trên thì giàn khoan HD 981 đã xâm phạm vào Lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý (221km) và cách phía Nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 18 hải lý. Đây là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Việc làm này của CNOOC rõ ràng là đã đi ngược lại tinh thần hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).
Tàu Trung Quốc tấn công tàu cá, cướp tài sản ở Hoàng Sa
Từ đầu năm 2014 đến nay, có đến 4 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa Việt Nam bị người Trung Quốc tấn công phi pháp.
Vụ gần đây nhất đó là vào khoảng 12h trưa 3/3/2014, sau nhiều ngày bị tàu Trung Quốc tấn công, thu hết ngư cụ trên vùng biển Hoàng Sa, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 90479ts của ông Võ Văn Lựu, SN 1966, trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, đã về đến Cảng Sa Kỳ.
Một số thuyền viên trên tàu cá QNg 90479ts bị tấn công.
Tàu cá của ông Võ Văn Lựu cùng 14 thuyền viên đã cập Cảng Sa Kỳ trong tình trạng bị mất sạch ngư cụ. Mạn tàu bị hư hỏng do tàu sắt Trung Quốc đâm, toàn bộ ngư cụ như đồ lặn, thiết bị máy dò tín hiệu, máy định vị và gần 5 tấn cá, tôm hùm bị người Trung Quốc tịch thu, tổng trị giá trên 350 triệu đồng.
Ngày 9/2/2013, tàu cá của ông Lựu cùng 14 thuyền viên ra đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, đến khoảng 15h, ngày 1/3/2014 thì bị một tàu sắt của Trung Quốc khoảng trên 35 người, mang theo súng, roi điện bao vây, tấn công. Những người này bắt thuyền trưởng Võ Văn Lựu đánh đập, dùng roi điện chích vào người gây thương tích và bẻ lá cờ Tổ quốc...
Ông Võ Văn Lựu cho biết: “Khi đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, chúng tôi thấy một chiếc tàu sắt lớn lao tới. Thấy có biểu hiện nghi vấn, tôi rồ ga cho tàu chạy nhưng bị chiếc tàu sắt lớn đuổi theo. Sau đó thả ca nô xuống bao vây và cho thuyền sắt lớn rượt đuổi chặn mũi tàu. Đồng loạt các đối tượng đi trên ca nô nhảy lên tàu, xông vào buồng lái dùng roi điện khống chế tôi. Cùng lúc đó, nhiều đối tượng người Trung Quốc khác dùng hung khí khống chế, dồn tất cả 14 thuyền viên về phía mui tàu, úp mặt xuống mạn tàu. Nhóm đối tượng người Trung Quốc manh động và táo tợn, nếu kháng cự chúng sẵn sàng chích điện vào người. Đáng nói, để thực hiện hành vi, chúng đập phá tất cả máy liên lạc trước, sau đó tổ chức lục soát, tìm thấy tài sản nào có giá trị là chúng lấy sạch.
Ngay sau khi tàu cập Cảng Sa Kỳ, lực lượng Công an tỉnh và Đồn biên phòng Bình Hải đã đến tiếp nhận thông tin và điều tra việc của tàu cá bị tấn công.
Ông Võ Văn Lựu cho biết thêm: “Hoàng Sa là của Việt Nam, anh em chúng tôi quyết tâm bám trụ, đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa của mình. Vừa đánh bắt hải sản để phát triển kinh tế, vừa giữ biển đảo của Việt Nam, đó chính là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng tôi đối với Tổ quốc Việt Nam”.
16 tàu Trung Quốc truy đuổi, đâm vỡ nát tàu cá Quảng Ngãi trên biển Đông
Hồi giữa tháng 5/2013, sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển đánh bắt thủy sản ở Hoàng Sa, trên đường trở về, một tàu cá Quảng Ngãi bất ngờ bị 16 tàu Trung Quốc truy đuổi và đâm vào mạn thuyền.
UBND xã Bình Thạnh cho biết, tàu cá bị đâm mang số hiệu QNg 90917-TS của ngư dân Trần Văn Quang (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn), do ngư dân Trần Văn Trung làm thuyền trưởng. Khi tàu bị tấn công, trên tàu còn có 15 lao động khác.
Mạn tàu QNg 90917-TS bị vỡ toác sau khi bị tàu Trung Quốc đâm. 
Ngư dân Trần Văn Quang kể lại: “Trên đường chúng tôi trở về đất liền sau hơn 20 ngày ra khơi, lúc này xuất hiện đoàn tàu Trung Quốc với 16 chiếc. Trong lúc né tránh, bất ngờ có chiếc tàu màu cam bọc thép, mang số hiệu 246 đâm liên tiếp 3 lần vào tàu chúng tôi, khiến tàu cá bị chao đảo sát mặt nước biển. Khi bị uy hiếp, chúng tôi tưởng như tàu chìm và bỏ mạng nhưng may mắn thoát chết trong gang tấc”.
Bị tàu Trung Quốc bủa vây, các thuyền viên trên tàu QNg 90917-TS nhanh chóng mặc áo phao khi nước biển tràn vào thân tàu, ngư dân Quảng Ngãi đứng giữa ranh giới sống và chết. Họ vừa tăng tốc tháo chạy, vừa dùng I-com thông báo sự việc về đất liền, xin ứng cứu.
Trở về đến cảng Sa Cần (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vào tối ngày 21/5, các ngư dân mới thở phào vì thoát ải tử thần. Mặc dù thuyền viên không bị ảnh hưởng tính mạng nhưng thân tàu đã vỡ tan nát nhiều chỗ.
Đồn biên phòng Bình Đông đã tiến hành kiểm tra, xác minh và lấy lời khai của ngư dân trên tàu QNg 90917-TS. Theo hồ sơ, thiệt hại gồm phần cabin tàu bị gãy, be phải tàu bị gãy với chiều dài 17m, be phía sau gãy 6,8m, 4 đà ngang bị gãy 2,7m và một số trang thiết bị, cơ sở vật chất, vật dụng cũng bị hư hỏng nặng. Theo ước tính, thiệt hại ban đầu khoảng 100 triệu đồng.
Bản đồ Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Hồi đầu năm 2013, Trung Quốc đã cho lưu hành bản đồ được gọi là đường lưỡi bò và công bố “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương quốc gia 5 năm lần thứ 12”, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.
Trả lời câu hỏi của phóng viên vào ngày 24/4/2013, ông Lương Thanh Nghị cho biết: “Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
“Việc Trung Quốc lưu hành bản đồ và công bố quy hoạch cũng đã vi phạm luật pháp quốc tế, thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như không phù hợp với tinh thần DOC, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông. Bản đồ và quy hoạch trên là hoàn toàn vô giá trị”, theo lời người phát ngôn Lương Thanh Nghị.
Minh Hiếu (Tổng hợp)

Bình luận(0)