Giấc mộng "Đại Trung Á" của Mỹ thách thức Nga và Trung Quốc

Google News

Trung Á đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" mà không chỉ Nga, Mỹ, mà cả Trung Quốc, Nhật Bản hay nhiều quốc gia châu Á khác thèm muốn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2/2 tới Uzbekistan, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm các nước Trung Á, từng thuộc Liên bang Xô Viết trước đây.
Chuyến thăm được xem là sự chuẩn bị cho tham vọng "Đại Trung Á" của chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức tạo ảnh hưởng tại khu vực giàu năng lượng và cũng được cho là “sân sau” của Nga này.
Giac mong
 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AP.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặt chân tới thủ đô Tachkent vào chiều 2/2 (theo giờ địa phương). Trong ngày 3/2, ông sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev để thảo luận về những vấn đề quan tâm chung, cũng như tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với quốc gia Trung Á này.
Trước Uzbekistan, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã tới Ukraine, vốn có quan hệ căng thẳng với Nga, sau đó là Belarus và Kazakhstan, 2 quốc gia thành viên của một liên minh quân sự và một liên minh kinh tế với Nga. Tại Ukraine, ông đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với lập trường của nước này trong cuộc khủng hoảng với Nga, cũng như những vấn đề tại miền Đông hiện do các lực lượng đòi li khai thân Nga kiểm soát.
"Sự có mặt của tôi tại Ukraine là nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và thịnh vượng của Ukraine là một sự dũng cảm. Cam kết của Mỹ với Ukraine sẽ không thay đổi. Như tôi đã nói với Tổng thống Zelensky, Mỹ ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của ông ấy nhằm củng cố các thể chế dân chủ”, ông Pompeo nói.
Còn tại Belarus, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hứa hẹn về những bước tiến thực chất trong quan hệ với quốc gia đồng minh gần gũi nhất với Nga: “Chúng tôi hiểu, Belarus có mối quan hệ láng giềng và lịch sử lâu dài với Nga. Tôi có mặt ở đây không phải là để buộc các bạn phải lựa chọn, mà đơn giản Mỹ muốn hiện diện ở Belarus. Như các bạn đang thấy, chúng tôi đã xây dựng một đội ngũ ngoại giao hùng mạnh ở Belarus và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này”.
Trước thềm chuyến thăm, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington sẵn sàng trợ giúp bất kỳ quốc gia Trung Á nào “muốn củng cố nền độc lập và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, song cũng thừa nhận sự hiện diện quan trọng của Nga và Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ tới Trung Á kể từ sau chuyến thăm của ông John Kerry năm 2015. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, tham vọng “Đại Trung Á” của Mỹ là không hề dễ dàng, kể cả trong thời kỳ đỉnh cao của sự hiện diện quân sự Mỹ tại khu vực trong đầu những năm 2000 khi nước này vẫn còn tham chiến tại Afghanistan.
Ngược lại Nga lại vẫn đảm bảo được tại đây các căn cứ quân sự của mình và dẫn đầu một liên minh quân sự và một liên minh kinh tế, hải quan với sự tham gia của nhiều nước trong khu vực, cùng với những mối quan hệ không thể chối bỏ về về lịch sự và văn hóa. Đây là điều Mỹ không thể chấp nhận.
Ngay từ năm 2005, các học giả Mỹ đã nêu ra ý tưởng xây dựng Diễn đàn Đối tác hợp tác và phát triển Đại Trung Á, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án năng lượng giữa các nước Trung và Nam Á, không có sự tham gia của Nga nhưng có sự hỗ trợ của các định chế tài chính phương Tây. Tuy nhiên, các dự án tiến triển chậm chạp do thiếu vốn và tình hình bất ổn tại Afghanistan. Thời gian gần đây, ý tưởng "Đại Trung Á" lại nổi lên, nhất là với chuyến thăm Trung Á lần này của Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Có thể nói, với vai trò quan trọng về địa chính trị và giàu tài nguyên, Trung Á đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" mà không chỉ Nga, Mỹ, mà cả Trung Quốc, Nhật Bản hay nhiều quốc gia châu Á khác thèm muốn.
Nếu Nga và Mỹ hỗ trợ quân sự thì Trung Quốc lại dùng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng tại khu vực này. Cùng với các khoản vay khổng lồ dưới hình thức hỗ trợ kinh tế, Bắc Kinh cũng đã xây tuyến đường ống dẫn dầu Kazakhstan-Trung Quốc và đường ống dẫn khí Turkmenistan - Uzbekistan- Kazakhstan - Trung Quốc. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Mỹ Jamestown, bằng cách tăng cường quan hệ thương mại và kinh tế với Trung Á, Trung Quốc định phát triển vùng ngoại biên phía tây của họ.
Trên thực tế, từ năm 1999, Mỹ đã có ý xây dựng khu vực này thành “Một con đường Tơ Lụa mới”, “một khu vực kinh tế năng động và kết nối bao gồm Afghanistan và những nước vùng Trung và Nam Á”. Sự hiện diện của quân đội Mỹ vào năm 2001 ở Afghanistan và sau đó là ở Kyrgyzstan đã khẳng định tham vọng của Mỹ đóng "một vai trò quan trọng" ở khu vực Trung Á.
Theo Thu Hoài/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)