Chuyên gia Nhật: ASEAN cần đoàn kết về Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Giáo sư người Nhật Masashi Nishihara cho rằng các nước ASEAN ven Biển Đông cần đoàn kết thành một nhóm lớn mạnh đủ để đối phó với Trung Quốc.

Trong một bài viết đăng ngày 25/8, trên tuần san PacNet thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), giáo sư người Nhật Masashi Nishihara, chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh Tokyo, cho rằng cách tiếp cận hiện nay của ASEAN đối với Trung Quốc là “không hiệu quả” và phản ánh sự chia rẽ giữa các nước thành viên.
Chuyen gia Nhat: ASEAN can doan ket ve Bien Dong
Giáo sư Tiến sĩ Masashi Nishihara, chủ tịch Viện Nghiên cứu Hòa bình và An ninh Tokyo. Ảnh www.toronto.ca. 
Trước hết, chuyên gia Masashi Nishihara nhận định tình trạng chia rẽ trong ASEAN hiện đã trở thành nghiêm trọng đến mức làm cho bất kỳ cuộc đàm phán ASEAN-Trung Quốc nào cũng trở thành vô nghĩa.
Giáo sư Nishihara cho rằng ASEAN cần xem xét lại cách tiếp cận Trung Quốc không hiệu quả hiện nay. Hầu hết các cuộc họp gần đây của ASEAN và liên quan đến ASEAN, đều không đưa ra được các tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc không tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp ở Biển Đông, bất chấp việc ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002.
Mười năm sau, năm 2012, Trung Quốc đã đồng ý nâng cấp bản tuyên bố, biến nó thành một Bộ Quy tắc ứng xử ràng buộc hơn. Tuy nhiên cho đến nay, ASEAN và Trung Quốc không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Bắc Kinh chỉ tìm cách kéo dài quá trình đàm phán, trong khi tiếp tục bồi đắp và xây dựng trái phép trên các rạn san hô và bãi ngầm mà Trung Quốc chiếm giữ.
Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài La Haye ngày 12/7, Trung Quốc tiếp tục bám lấy lập trường cũ, bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài là “giấy vụn” và thậm chí còn tiến hành một cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông một vài ngày trước khi phán quyết PCA được ban hành.
Bắc Kinh cũng bác bỏ các cuộc đàm phán song phương với Philippines, nếu Manila khăng khăng đòi chú ý đến phán quyết PCA.
Các cơ chế khu vực như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) sẽ không thể phát huy tác dụng và cung cấp các giải pháp cho vấn đề căng thẳng ở Biển Đông khi mà Trung Quốc từ chối thương lượng.
Nên thành lập một nhóm nước ven Biển Đông
Theo giáo sư Masashi Nishihara, tất cả các quốc gia ven Biển Đông trong ASEAN - Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam - đang quan tâm không chỉ đến an toàn của giao thông trên biển mà còn đến nguyên tắc của pháp luật.
Khi Singapore có một tranh chấp với Malaysia về đảo Pedra Blanca, ngoài khơi Singapore, hai bên đã nhờ đến Tòa án Công lý Quốc tế, vốn đã phán quyết vào năm 2008 rằng đảo này thuộc về Singapore. Hai nước đều đã sẵn sàng chấp nhận phán quyết. Đó là cách vận hành cần có của pháp luật.
Trên tinh thần đó, sáu nước ASEAN đồng quan điểm - hoặc bốn thành viên ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông - nên thành lập một nhóm nước ở bên trong hay bên ngoài ASEAN, để có thể tham khảo ý kiến với nhau và cùng nhau đàm phán với Trung Quốc. Điều này sẽ hữu ích hơn là các cuộc họp gồm cả 10 thành viên ASEAN, vốn sẽ bị vô hiệu hóa bởi những mâu thuẫn nội bộ.
Giáo sư Nishihara khẳng định rằng tính chất thống nhất hoặc “trung tâm” của ASEAN không vì thế mà giảm bớt. ASEAN có nhiều mối quan tâm, trong đó có cả việc thúc đẩy thương mại và du lịch trong khu vực, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Trên các vấn đề này, ASEAN vẫn có tiếng nói chung mỗi khi cần thiết. 
Minh Châu (BT)

Bình luận(0)