Sau khi đưa ra nhận định nói trên, nhà quan sát chính trị Serkan Demirtas của báo Hurryiet Daily News (Thổ Nhĩ Kỳ) nói với Sputnik rằng sau khi bình thường hóa với Moscow, Ankara đã bắt đầu thay đổi lập trường của mình đối với Tổng thống Syria Bashar Assad. Kết quả là, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có thể tăng cường các hoạt động ở Syria.
|
Khoảng 50 xe tăng và xe bọc thép của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn vào miền bắc Syria. Ảnh Sputnik |
Nhà báo Demirtas cho biết rằng chiến dịch quân sự ở Jarablus đã được thảo luận năm ngoái. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ gợi ý rằng chiến dịch này có thể bắt đầu ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Antalya. Tuy nhiên, sau khi chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria, chiến dịch này đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự.
Ông Demirtas nói: "Vì vậy, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Jarablus đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng xảy ra vào một thời điểm muộn hơn. Ankara đã nhận ra mối đe dọa khủng bố Daesh (Nhà nước Hồi giáo IS) sau vụ đánh bom ở Suruc và các cuộc tấn công tiếp theo".
Vào ngày 24 tháng 8, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hậu thuẫn của chiến đấu cơ Mỹ, đã phát động chiến dịch tấn công thành phố Jarablus ở miền bắc Syria. Chiến dịch tấn công này mang tên “Lá chắn Euphrates” và có sự hậu thuẫn của liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Như thường lệ, Tổng thống TNK Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng chiến dịch “Lá chắn Euphrates” nhằm mục đích chống cả phiến quân IS lẫn lực lượng người Kurd. Chiến dịch này diễn ra sau khi một cuộc tấn công khủng bố ở Gaziantep trước đó đã giết chết hơn 50 người. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho Daesh (IS) tiến hành cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nói trên.
Nhà quan sát chính trị Serkan Demirtas nhấn mạnh rằng việc bình thường hóa giữa Ankara và Moscow đã tạo điều kiện đáng kể cho chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc khủng hoảng Syria. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể nói rằng chiến dịch quân sự này có thể là kết quả của sự hòa giải giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nó không thể xảy ra, nếu không có sự đồng ý của Nga. Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc bình thường hóa quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ là điều kiện tiên quyết chính cho chiến dịch tấn công Jarablus".
Một bài viết gần đây đăng trên tờ báo Pháp Le Monde cũng nhận định rằng ảnh hưởng của Nga đối với tình hình Syria lớn đến mức Ankara không thể bắt đầu chiến dịch tấn công Jarablus mà không đạt được một thỏa thuận với Moscow. Bài viết khẳng định: "Mặc dù trên thực tế Moscow đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về chiến dịch tấn công Jarablus, nhưng chiến dịch này không thể không có sự đồng thuận của Nga”.
Theo Le Monde, Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi lập trường đối với Syria sau khi hòa giải với Nga. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định rằng Tổng thống Assad phải ra đi, nhưng giọng điệu bây giờ xem ra khác trước. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Tổng thống Syria Bashar Assad là một trong những nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột và nên là một phần của các cuộc đàm phán.
Một nguồn tin thân cận với chính phủ Syria nói với báo Nga Izvestia rằng Moscow và Damascus đã biết về kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch tấn công ở Jarablus.
Nguồn tin này cho biết: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thông báo cho chính phủ Syria về chiến dịch quân sự này, Ankara sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ Moscow và Damascus. Tuy nhiên, Nga và Syria đã biết trước về chiến dịch ở Jarablus”.
Một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cũng không bác bỏ giả thiết này. Nguồn tin này nói với Izvestia: "Hiện thời, mọi nỗ lực chống khủng bố trong khu vực đều là rất quan trọng. Hiệu quả của các nỗ lực này phụ thuộc vào sự hợp tác với Damascus. Các chiến dịch này cần được tiến hành trên cơ sở pháp lý và phối hợp với chính phủ Syria".
Chỉ có điều, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã xấu chơi với cả Tổng thống Nga Valdimir Putin lẫn Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi mở rộng chiến dịch “Lá chắn Euphrates” ra khắp miền bắc Syria và đánh cả lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn.