Trong bài phát biểu phác thảo nội dung của chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỉ 21 ở Paris, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton từng nói: “Những chia rẽ gay gắt của cuộc chiến tranh Lạnh đã được thay thể bởi sự đoàn kết, hợp tác và hòa bình. Nga không còn là đối thủ của chúng tôi. Giờ họ là đối tác mà thôi”. Phát ngôn trên được bà Clinton đưa ra vào năm 2010, một năm sau khi chính quyền Washington tìm cách “tái thiết lập với Nga”.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga-Mỹ đã “sứt mẻ” đi ít nhiều sau khi điện Kremlin chính thức sáp nhập Crimea và tập trung quân đội dọc biên giới với Ukraine. Các chuyên gia phân tích, cựu quan chức hay nhà ngoại giao Mỹ cho hay, sự bất ổn mới của châu Âu này cho thấy điểm yếu lâu dài trong tầm nhìn đối tác của Tổng thống Obama đối với nước Nga.
|
Tổng thống Obama, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen trò chuyện cùng nhau.
|
“Tầm nhìn chiến lược trong chính sách đối ngoại của ông Obama đối với an ninh châu Âu chủ yếu được lập ra dựa trên một vài yếu tố. Song, giờ đây, tất cả các yếu tố này không còn hiệu quả nữa”, thành viên cao cấp thuộc Viên Nghiên cứu An ninh Quốc tế Samuel Charap cho biết.
Trong đó, ông Charap chỉ ra một số nhân tố được lấy làm nền tảng để xây dựng chính sách đối ngoại trên. Cụ thể, đó là sự ổn định của châu Âu, mối quan hệ thương mại và tài chính lớn mạnh của khu vực này với Nga.
Mối tập trung chính của châu Âu
Tuy nhiên, hiện thời, nền tảng trên đã thay đổi khá nhiều. Barry Pavel, Giám đốc Trung tâm Scowcroft cho hay: “Khi các quốc gia thành viên NATO cảm thấy bị đe dọa, tổ chức này sẽ lưỡng lự giữa đôi dòng: điều thêm quân tới vùng Vịnh hay tới vùng Batic, Ba Lan, Slovakia hay Romania (những quốc gia láng giềng của Ukraine)”.
“Mâu thuẫn với Nga về tình hình Ukraine sẽ là “một vùng trũng” trên phương diện ngoại giao. Và nó sẽ càng tồi tệ hơn trong vài tuần tiếp theo. Điều này tùy thuộc vào những gì xảy ra ở Ukraine”, chuyên gia Barry Pavel nói.
Mối bận tâm chính của châu Âu trong vấn đề ngoại giao với Mỹ chủ yếu hướng tới kiềm chế chương trình hạt nhân ở Iran và Bình Nhưỡng; kết thúc cuộc nội chiến ở Syria; giải quyết mâu thuẫn Israel – Palestine và giữ sự ổn định ở châu Á với mục đích bảo vệ nền kinh tế toàn cầu. “Những quan tâm này vẫn sẽ còn tiếp tục. Nhưng tôi nghĩ rằng, họ sẽ bị phân tâm đi”, Pavel kết luận.
Hai nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết, cuộc khủng hoảng Ukraine khiến cho mối quan hệ chính trị xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ hơn. Các nước châu Âu sẽ tập trung vào các vấn đề diễn ra ở gần họ.
Tham vọng của Tổng thống Putin
Châu Âu cảnh báo rằng, còn quá sớm để nhận biết những tác động lâu dài từ việc Nga sáp nhập Crimea. Cùng với đó, họ cũng chỉ ra, chính quyền Obama đang có một mối bận tâm về việc này.
Cụ thể, hai quan chức Mỹ đã chỉ ra mối bận tâm sâu xa của chính quyền Mỹ hiện thời. Họ lo ngại rằng, sau khi sát nhập thành công Crimea, Moscow sẽ lấy "luận điệu" bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga để "tấn công" miền đông Ukraine hay khu tự trị
Trans-Dniester thuộc Moldova.
|
Binh lính Ukraine tích cực đào hào ở biên giới miền đông giáp với Nga.
|
Động thái như vậy sẽ càng làm leo thang cuộc khủng hoảng. Vào ngày hôm qua (25/3), Tổng thống Obama cảnh báo Nga rằng, họ sẽ đối mặt với những hậu quả nặng nề nếu tấn công miền đông Ukraine.
Sự kỳ vọng của Mỹ
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice đã từng khẳng định, nỗ lưc ban đầu của Tổng thống Obama trong việc đưa Nga hòa nhập vào một trật tự thế giới mới là nhằm hi vọng nước này sẽ tuân thủ các quy định quốc tế. Đây là một trong những ý kiến của chuyên gia phân tích chính trị Tom Wright nêu ra trong bài viết của mình đăng tải hôm 25/3.
Tuy nhiên, chính sự kiện Nga can thiệp quân sự vào Ukraine và sáp nhập khu vực Crimea vào lãnh thổ được coi là một thách thức mà Tổng thống Obama đang đối mặt ở châu Âu.
Điều này hoàn toàn đi ngược lại hi vọng ban đầu của ông Obama. Theo đó, vị nguyên thủ Mỹ từng kì vọng, các nền dân chủ châu Âu sẽ bắt đầu chia sẻ một phần gánh nặng toàn cầu cho nước Mỹ.
Khó đưa ra sự đồng thuận
Vượt quá khả năng quân sự của châu Âu, tầm nhìn quan hệ đối tác Mỹ-châu Âu của đương kim Tổng thống Mỹ còn phải đối diện với thách thức trong việc tìm ra một sự đồng thuận của tất cả các thành viên.
“Thực tế là Mỹ đang làm việc với 28 quốc gia thành viên (thuộc tổ chức NATO). Thật khó để đạt được sự nhất trí từ tất cả các quốc gia này”, chuyên gia Michael Geary thuộc Trung tâm Wilson bày tỏ.
Các quốc gia thành viên NATO ở khu vực Trung và Đông Âu xem rằng, “bảo vệ lãnh thổ luôn luôn là mục tiêu chính của NATO”. Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia ở khu vực khác lại nhìn nhận, quan điểm trên “đã quá lỗi thời”.
|
Ảnh minh họa.
|
Mỹ khó thuyết phục châu Âu áp lệnh trừng phạt lên Nga
Bây giờ, Mỹ sẽ phải thuyết phục các quốc gia châu Âu (những nước có quan hệ kinh tế gần gũi Nga trong hơn một thập kỷ qua) cùng đoàn kết để trừng phạt Nga.
“Những điều bạn đang nhìn thấy trong suốt cuộc khủng hoảng và những điều bạn sẽ tiếp tục nhìn thấy đó là Nga đang bị cô lập. Mỹ và châu Âu đang hỗ trợ Ukraine và làm sâu sắc thêm sự cô lập chính trị và kinh tế của Nga”, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Caitlin Hayden cho hay.
Tuy nhiên, Mỹ đã không suy xét tới những sợi dây ràng buộc lâu dài giữa các quốc gia châu Âu với Nga. Cụ thể, châu Âu nhập khoảng 30% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga thông qua các đường ống dẫn chạy xuyên qua lãnh thổ Ukraine. Rõ ràng, điều này sẽ khiến các đồng minh của Mỹ băn khoăn ít nhiều trước khi đặt bút phê chuẩn các lệnh trừng phạt đối với Nga.