Những lời kêu gọi Mỹ có hành động quân sự chống lại các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria đã trở nên om sòm hơn trong những tuần gần đây, khi không lực Nga và quân đội Syria đang vây hãm và triệt hạ phiến quân ở phía đông thành phố Aleppo. Chỉ có điều những lời kêu gọi can thiệp quân sự này không phải là mới. Phe diều hâu ở Mỹ từng thúc giục Tổng thống Barack Obama can dự nhiều hơn vào cuộc nội chiến Syria kể từ khi nó bắt đầu vào năm 2011 và kể từ đó, phe này càng to tiếng hơn khi xảy ra các hành động vi phạm nhân quyền ở Syria.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra rất thận trọng trong việc ra quyết định can thiệp quân sự vào Syria. Ảnh Offguardian |
Thời điểm chính quyền Obama "xem xét" tấn công Tổng thống Bashar al-Assad là vào tháng 8/2013, sau khi thế giới lên án cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở các quân do quân nổi dậy chiếm giữ ở phía đông thủ đô Damascus. Những hình ảnh ném bom bệnh viện ở thành phố Aleppo gần đây một lần nữa dẫn đến những lời kêu gọi Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria. Các nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Obama, đã phản ánh sự phẫn nộ bằng cách lên án các cuộc không kích ở thành phố Aleppo là "man rợ" và là "tội ác chiến tranh”.
Nhưng cũng như hồi tháng 8/2013, vấn đề đạo đức không phải là động lực để Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến Syria. Chính quyền Obama đã không ném bom lực lượng Assad sau vụ tấn công hóa học năm 2013 và có khả năng sẽ vẫn còn tiếp tục “tự kiềm chế” liên quan đến tình hình Syria.
Chính sách chủ đạo của Tổng thống Obama là không can thiệp vào Syria với ngoại lệ của các chiến dịch chống ISIS, tránh đối đầu với chính phủ Syria và không quân Nga. Đây là một kịch bản của quan hệ quốc tế, trong đó mọi quyết định can thiệp đều phải dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia. Xem ra, các vị Tổng thống Mỹ - bất kể thuộc đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa – đều khá giống nhau khi quyết định về hành động quân sự.
Do đó, những người thiên về hành động quân sự cần phải trả lời câu hỏi: Liệu Nhà Trắng quyết định tiến hành chiến tranh chống lại chính phủ Syria và đối đầu trực tiếp với cường quốc như Nga có nằm trong lợi ích quốc gia của nước Mỹ?
Việc xác định những lợi ích của Mỹ trong cuộc nội chiến Syria vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Thất bại của Tổng thống Obama không phải là ở chỗ ông đã từ chối can thiệp quân sự, mà là sau 5 năm chiến tranh, ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa xác định rõ ràng lợi ích quốc gia của Mỹ là gì trong cuộc chiến này. Quả trứng không thể nở thành gà con trước khi nó được ấp.
Tổng thống Obama đã đúng trong việc tiếp cận thận trọng cuộc nội chiến ở Syria. Đây không phải là một cuộc chiến mà Washington phát động và Syria cũng không phải là một trong những quốc gia có giá trị chiến lược lớn đối với Mỹ. Cuộc nội chiến Syria không phải là một mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ. Không những thế, Mỹ còn thu được những lợi ích nhất định từ cuộc nội chiến kéo dài này.
Nội chiến đã làm suy yếu nghiêm trọng Syria, một kẻ thù truyền thống đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Nó cũng làm chảy máu Hezbollah và Iran về tài chính và quân sự. Iran đã mất hàng chục viên tướng, trong đó có tướng cấp cao, trong cuộc chiến Syria. Đây chính là cuộc chiến mà kẻ thù của Mỹ đang tàn sát lẫn nhau: một bên là Iran, Assad và Hezbollah, còn bên kia là đám chiến binh thánh chiến Sunni cực đoan.
Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng Syria trở nên phức tạp, lợi ích của Mỹ ở Trung Đông cũng bị tổn thương.
Thứ nhất, các nhóm thành chiến cực đoan như Al-Qaeda phát triển mạnh dựa trên sự hỗn loạn và tan vỡ của một nhà nước. Những vùng lãnh thổ vô chính phủ cung cấp không gian hoạt động cho các nhóm khủng bố và thu hút đám thanh niên bất mãn với chế độ ở phương Tây. Sự sụp đổ của nhà nước Syria ở một số khu vực và một nhà nước Iraq suy yếu nghiêm trọng đã tạo ra “những lỗ hổng hoàn hảo” để cho những kẻ khủng bố lấp đầy. Hậu quả là tình hình này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử khủng bố thường xuyên tấn công Châu Âu cũng như các cuộc tấn công khủng bố của đám “sói đơn độc” bị nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở Mỹ. Mặc dù còn lâu mới trở thành một mối đe dọa đáng kể đối với siêu cường Mỹ, nguy cơ bị tấn công khủng bố ngày càng cao buộc Washington phải bình định Syria, Iraq và triệt tiêu các khu vực vô chính phủ vốn là hang ổ của các nhóm khủng bố cực đoan.
Thứ hai, quyết định của Nga can thiệp quân sự tại Syria có nguy cơ dẫn đến đối đầu quân sự với Mỹ. Nước Nga, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, đã tìm cách tự khẳng định là một quyền lực toàn cầu, không thua kém gì Mỹ và các cường quốc khác. Còn cách nào tốt hơn để làm điều đó bằng cách tung sức mạnh quân sự vào một cuộc xung đột với chi phí tối thiểu. Không có lực lượng nào ở Syria nào có khả năng đối chọi với sức mạnh quân sự Nga. Không có cường quốc khu vực nào muốn đi đến chiến tranh với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được một bài học để đời sau vụ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga trên không phận Syria.
Nga hiện là thế lực nước ngoài lớn ở Syria. Mọi giải pháp cuối cùng cho cuộc chiến Syria đều phải tính đến lợi ích của Nga. Kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria, các nước Trung Đông buộc phải thừa nhận Nga là một cường quốc và hành động của Moscow ở Syria đã hạn chế khả năng can thiệp quân sự của Mỹ vào cuộc nội chiến Syria.
Cuộc can thiệp quân sự của Nga ở Syria thách thức trực tiếp vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc quản lý an ninh toàn cầu và duy trì độc quyền về sử dụng vũ lực.
Việc Washington để cho Nga quyết định kết cục cuộc xung đột Syria phơi bày sự yếu kém của Mỹ và có thể khuyến khích một sự lặp lại hành động tương tự ở những nơi khác. Trên thực tế, Trung Quốc đang thách thức Mỹ với các hành động thâu tóm Biển Đông. Điều này cũng đe dọa làm suy giảm vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, khi các cường quốc cảm thấy việc LHQ uỷ quyền cho hành động quân sự là không cần thiết. Xét về khía cạnh an ninh toàn cầu và quan hệ giữa các nước lớn, giải quyết vấn đề Syria có ý nghĩa quan trọng đối với Washington.
Nhưng việc đối mặt với Nga và chủ nghĩa khủng bố không nhất thiết đòi hỏi sự can dự quân sự lớn hơn của Mỹ hay tuyên chiến với chế độ Assad. Xác định lợi ích là một vấn đề, nhưng đạt được mục đích lại là một vấn đề khác.
Nếu bình ổn Syria và Iraq là cần thiết để đánh bại những kẻ cực đoan thánh chiến ở hai nước, liệu có cần gây chiến với Assad mà không có một kế hoạch toàn diện sau khi đạt được kết quả?
Liệu có phải việc triển khai lực lượng quân sự mạnh ở Syria và tấn công đồng minh của Moscow có phải phương tiện duy nhất để kiềm chế nước Nga?
Chính quyền Mỹ tiếp theo cần đề ra một chiến lược rõ ràng để giải quyết những vấn đề lợi ích trong cuộc nội chiến Syria. Nhưng việc sử dụng vũ lực còn phụ thuộc vào việc nó phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ hay không.