Campuchia khó cai trị hơn sau bầu cử

Google News

(Kiến Thức) - Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đang cố “tiêu hóa” kết quả bầu cử đáng thất vọng ngày 28/7, mặc dù vẫn có thể giành chiến thắng gây tranh cãi.

Một phần ba tổng số cử trị Campuchia là dưới tuổi 30 và muốn có "thay đổi". 
"Thay đổi" là khẩu hiệu tranh cử của Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập. Lời kêu gọi này đã thu hút được giới trẻ và không ít những người ủng hộ truyền thống của CPP - những người vốn bất bình trước tình trạng tham nhũng, mất đất canh tác và cái hố ngăn cách giàu-nghèo ngày càng sâu rộng ở Campuchia.
Theo văn bản do Ủy ban bầu cử Campuchia (NEC) ký ngày 31/7, có 6.616.110 trên tổng số 9.675.453 cử tri tham gia bỏ phiếu, đạt tỷ lệ 68,38%.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền nhận được 3.227.729 phiếu ủng hộ; Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập được 2.941.133 phiếu; Đảng Bảo hoàng FUNCINPEC được 241.866 phiếu… Với số phiếu chênh lệch không đáng kể này, CNRP càng có cớ để khiếu kiện về kết quả bầu cử. Đó là chưa kể đảng Bảo hoàng FUNCINPEC có thể đóng vai trò “con ruồi đỗ lệch đòn cân” trong việc thành lập chính phủ sắp tới.
Việc xác định số ghế chính thức tại Quốc hội Campuchia khóa V chỉ được tiến hành dựa trên cơ sở kết quả cuối cùng sau khi kết thúc quá trình giải quyết các khiếu nại liên quan đến hoạt động bầu cử.
Trước đó, theo một số nguồn tin chính phủ Campuchia, CPP giành được 68 trên tổng số 123 ghế tại Quốc hội khóa V và CNRP được 55 ghế, tăng vọt so với 29 ghế trong Quốc hội khóa 4.
Tuy nhiên, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy đã bác bỏ kết quả bầu cử và tố cáo gian lận bầu cử đã cướp đi một chiến thắng của CNRP và đe dọa tổ chức biểu tình vào ngày 4/8 tới.
Sam Rainsy tuyên bố rằng Đảng Cứu quốc (CNRP) của ông đã giành được ít nhất 63 trong số 123 ghế trong Quốc hội Campuchia khóa 5, đủ để thành lập chính phủ. Ông này nói: “Dựa trên tính toán của các nhà hoạt động tại các địa điểm bỏ phiếu, CNRP giành được ít nhất 63 ghế (trong Quốc hội Campuchia khóa 5). Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ còn giành được nhiều ghế hơn nữa, cho phép CNRP đứng ra thành lập chính phủ”.
Nhà phân tích an ninh Gavin Greenwood của Allan & Associates ở Hong Kong so sánh kết quả bầu cử ngày 28/7 ở Campuchia với cuộc bầu cử Malaysia gần đây, khiến cho Thủ tướng Najib Razak tiếp tục nắm quyền nhưng với một đa số giảm mạnh. Ông nhận định: “Tuy nhiên, kết quả bầu cử này là ‘con dao hai lưỡi’ đối với phe đối lập vì chênh lệch phiếu sát nút sẽ khiến cho đảng cầm quyền không còn nhiều khả năng nhượng bộ”.
Nhà phân tích chính trị độc lập người Campuchia, Lao Mong Hay, cho rằng sau bầu cử, uy tín của “người hùng” Hun Sen bị giảm sút mạnh và ông này sẽ phải đối mặt với các “ngôi sao đang lên” trên chính trường Campuchia là Sam Rainsy và Phó chủ tịch CNRP Kem Sokha.
Các tổ chức giám sát bầu cử độc lập hiện vẫn chưa lên tiếng liệu cuộc bầu cử ngày 28/7 có tự do công bằng hay không, mặc dù người ta đang đặt câu hỏi về tính độc lập của Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC).
Nhà phân tích Lao Mong Hay cho rằng quá trình vận động bầu cử chưa thể công bằng do lợi thế truyền thông bao giờ cũng thuộc về đảng cầm quyền. Ông không loại trừ khả năng xảy ra những vi phạm bầu cử và nói ông Hun Sen đã bị “mất uy tín” và “không còn kiêu hãnh như trước đây”.
Ông Hun Sen sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, kể cả những vấn đề trong nội bộ Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Nội bộ CPP không nhất trí với cách xử lý bầu cử của Thủ tướng Chính phủ Hun Sen vì không phản ứng kịp thời trước chương trình tranh cử có tính chất mị dân của phe đối lập. Phe đối lập đã cam kết nâng mức lương tối thiểu, lương viên chức và phụ cấp hưu trí.
Không những thế, các quan chức chính phủ lại đi trên những chiếc xe trị giá 100.000 USD để vận động bầu cử, trong khi mức lương tháng của người dân Campuchia chỉ vào khoảng 100 USD. Điều này trái ngược hoàn toàn với hàng chục nghìn thanh niên “kẹp đôi, kẹp ba” trên những chiếc xe máy thông dụng chạy khắp thủ đô Phnom Penh, vận động cử tri dồn phiếu cho phe đối lập.
Đáng chú ý là các cử tri có độ tuổi dưới 30 chiếm tới 1/3 tổng số cử tri Campuchia. Những người này hầu như không biết gì về “những cánh đồng chết” dưới thời Khmer Đỏ và muốn có "làn gió mới" trên chính trường Campuchia.
Lê Chân (theo Diplomat)

Bình luận(0)