Ít có nước nào gây nhiều phiền hà cho các nước láng giềng như CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên). Với vụ thử nghiệm hạt nhân thứ tư gần đây, Bình Nhưỡng một lần nữa đối đầu với tất cả các cường quốc ở Châu Á và thế giới. Như thường lệ, hầu hết những lời bình luận đều tập trung vào việc liệu Triều Tiên có phóng đại vụ thử hạt nhân vừa qua và ai là người chịu trách nhiệm đối với diễn tiến tình hình ngày càng đáng lo ngại này.
|
Tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng.
|
Các nhà hoạch định chính sách phương Tây hiện đang đau đầu trước câu hỏi: Thế giới có thể làm gì với Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vốn bị coi là “cứng đầu cứng cổ”?
Trước khi có thể trả lời câu hỏi này, cách tốt nhất là tránh không bị rơi vào bốn ngộ nhận khá phổ biến về CHDCND Triều Tiên.
Ngộ nhận đầu tiên là CHDCND Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un là một đất nước điên khùng và phi lý. Trên thực tế, mọi bằng chứng đều cho thấy Triều Tiên dưới quyền các nhà lãnh đạo họ Kim luôn tỏ ra hợp lý, nếu không muốn nói là quá hợp lý. Tất cả mọi thứ mà Triều Tiên đã làm cho đến nay đều xoay quanh mục đích “sự tồn tại của chế độ”. Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Triều Tiên, sự tồn tại của chế độ luôn bị đe dọa nghiêm trọng. Một cuộc thử nghiệm hạt nhân, nếu thành công, rất có thể làm tăng khả năng tồn tại của chế độ. Điều này không làm thay đổi thực tế rằng một nước Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân có thể là tin xấu đối với các nước khác ở Châu Á.
Ngộ nhận thứ hai là nhân dân Triều Tiên không ưa thích các nhà lãnh đạo họ Kim và sự sụp đổ từ bên trong của chế độ ở Bình Nhưỡng là không thể tránh khỏi.
Một lần nữa, đây là một sự ngộ nhận của phương Tây. CHDCND Triều Tiên là một quốc gia độc đáo vì có lịch sử và văn hóa riêng. Ở nước này có một sự trùng hợp đáng kể giữa hai thuật ngữ “quốc gia” và “dân tộc”. Tại Triều Tiên, người dân coi dòng họ Kim là quốc gia và nhà nước. Vì vậy, việc bảo vệ dòng họ Kim chính là để bảo vệ các ý tưởng về nhà nước ở Triều Tiên. Bất kỳ cải cách đáng kể nào trong tương lai đều chỉ có thể là một quá trình từ trên xuống dưới.
Ngộ nhận thứ ba coi Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - nắm giữ chìa khóa cuối cùng cho các giải pháp về vấn đề Triều Tiên. Đây là một cách nhìn nhận rất thô thiển về quan hệ Trung-Triều, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai lầm. Mặc dù Trung Quốc có lẽ có nhiều ảnh hưởng đối với Triều Tiên hơn bất kỳ quốc gia nào khác như Nga hay Mỹ, nên nhớ rằng CHDCND Triều Tiên là một quốc gia độc lập với lý tưởng và thể chế riêng. Trong ba năm qua, Triều Tiên đã nhiều lần xúc phạm và đe dọa lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Việc nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vẫn chưa hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là bằng chứng tốt nhất cho thấy mối quan hệ khá lạnh nhạt giữa hai nước láng giềng vốn được coi là “như môi với răng” này. Lịch sử đã nhiều lần chứng tỏ rằng chính sách Triều Tiên của Trung Quốc chỉ phục vụ lợi ích của Bắc Kinh, chứ không phải phục vụ lợi ích của Bình Nhưỡng.
|
Việc nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vẫn chưa hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy mối quan hệ khá lạnh nhạt giữa hai nước láng giềng vốn được coi là “như môi với răng” này. |
Ngộ nhận thứ tư là các biện pháp trừng phạt quốc tế tỏ ra hữu hiệu đối với Triều Tiên. Thật không may, đây có lẽ vẫn là ngộ nhận lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách phương Tây. Trên thực tế, trừng phạt kinh tế không có bất kỳ ảnh hưởng lớn nào đến nền kinh tế Triều Tiên. Trong khi đó, hành động quân sự là quá tốn kém và đầy nguy hiểm mà không một cường quốc nào dám làm thử. Với mỗi ngày trôi qua, Triều Tiên đang tiến gần hơn việc trở thành một “cường quốc hạt nhân” đầy đủ chức năng.
Nếu tất cả những ngộ nhận nói trên khiến cho người ta cảm thấy bi quan, thì có tin tốt là ngay cả khi trở thành “cường quốc hạt nhân”, về cơ bản Triều Tiên sẽ vẫn sẽ ứng xử một cách hợp lý.
Vũ khí hạt nhân trong thời đại ngày nay chỉ có chức năng tự vệ. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên vẫn còn là một quốc gia khá yếu kém và không an toàn, bất kể có hoặc không có vũ khí hạt nhân. Cộng đồng quốc tế có thể áp dụng chiến lược "ngăn chặn" đối với Triều Tiên và khuyến khích cải cách trong nước dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chỉ có điều, khi tiếp cận vấn đề Triều Tiên, các nhà hoạch định chính sách phương Tây cần tránh xa những ngộ nhận khá phổ biến và nguy hiểm nói trên.