Đó là nhận định của học giả người Hoa gốc Mỹ Niu Baiyu và theo giới phân tích quốc tế, quyết định không đến Moscow trong Ngày Chiến thắng 9/5 đã được nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un lên kế hoạch từ trước.
|
Nhà lãnh đạo Kim Jong-il và con trai Kim Jong-un.
|
Ngày 30/4, các quan chức Nga xác nhận rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã quyết định không tham gia lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 để đánh dấu 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II tại Châu Âu, với lý do “bận công việc trong nước”.
Ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, nói với các nhà báo: “Ông ấy (Kim Jong-un) sẽ không có mặt (ở Moscow). Chúng tôi đã được thông báo về quyết định này thông qua các kênh ngoại giao. Quyết định đó có liên quan đến các vấn đề nội bộ của Bắc Triều Tiên”.
Sự từ chối này được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi đại diện của Bình Nhưỡng khẳng định rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ được tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở thủ đô Moscow.
Theo giới phân tích quốc tế, sự đảo ngược quyết định này có lẽ đã được ông Kim Jong-un lên kế hoạch từ lâu. Người cha quá cố Kim Jong-il của ông vốn hay sử dụng chiến thuật “tung hỏa mù” để thao túng dư luận quốc tế và lợi dụng các phương tiện truyền thông toàn cầu phục vụ cho mục đích riêng.
Cái cách mà ông Kim Jong-un đùa giỡn với truyền thông và giới quan sát chính trị trên toàn thế giới này cũng gần giống như việc một siêu sao hủy bỏ buổi hòa nhạc vào phút cuối cùng.
Là một nhà lãnh đạo của một nước nhỏ ở Đông Bắc Á bị mắc kẹt trong vòng ảnh hưởng của các nước lớn, việc sử dụng liệu pháp “gây sốc” này có lẽ là cách duy nhất để ông Kim Jong-un nhắc nhở thế giới rằng CHDCND Triều Tiên vẫn còn tồn tại mà không cần đến các biện pháp cực đoan như thử nghiệm hạt nhân.
Theo học giả Niu Baiyu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn sẽ được ngồi vào vị trí danh dự cao nhất tại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 ở Moscow. Với sự nhạy cảm và từng trải của Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un nhận ra rằng ông khó có thể được xếp ngang hàng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo học giả Niu Baiyu, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định không đến Moscow có lẽ một phần vì ông không muốn giáp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình, khi ông ưu tiên thăm Nga trước Trung Quốc. Mặc dù vẫn còn hờn giận, nhưng ông Kim Jong-un cũng biết rất rõ rằng xúc phạm “người đỡ đầu” Trung Quốc sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại như thế nào.
Chính vì vậy mà lý do “bận công việc nội bộ" chỉ là một cái cớ vì nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã củng cố được quyền lực, sau khi thanh trừng một số đối thủ cạnh tranh mạnh nhất - trong đó có chú dượng Jang Song-thaek, người đã bị xử tử vì tội phản quốc hồi tháng 12/2013.
Kể từ khi ông Kim Jong-un hủy bỏ chuyến đi Moscow, có tin đồn rằng ông đã làm như vậy để thuyết phục Chủ tịch Trung Quốc đồng ý đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng Tám năm nay. Có tin nói, ông Kim Jong-un dự định thăm Bắc Kinh vào tháng Chín để tham gia lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày Đế quốc Nhật Bản đầu hàng đồng minh. Đổi lại, ông muốn Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Bình Nhưỡng trước để tham dự buổi lễ riêng của Triều Tiên.
Nhưng học giả Niu Baiyu nói rằng biết đâu đây cũng chỉ là trò “tung hỏa mù” nữa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm thu hút sự chú ý của thế giới và đánh lừa dư luận.