Biển Đông: Trọng tâm của Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Philippines

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Duterte có thể làm cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á mạnh bạo hơn, nhưng bất đồng nội bộ lại ngăn cản ASSEAN ứng phó với Trung Quốc.

Đó là nhận định của giáo sư Richard Javad Heydarian trong bài viết đăng trên trang mạng The National Interest ngày 11/3/2017.
Bien Dong: Trong tam cua Hoi nghi Cap cao ASEAN o Philippines
Trung Quốc bồi đắp trái phép các bãi đá ngầm và rạn san hô ở Biển Đông thành “đảo nhân tạo”. Ảnh: The Huffington Post 
Theo giáo sư Heydarian, vai trò lãnh đạo khu vực của Chủ tịch luân phiên Philippines đang bước vào một giai đoạn đặc biệt quan trọng, vì ASEAN phải chật vật với sự kết hợp độc hại giữa căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và tính bất định chính sách của Mỹ đối với Châu Á.
Có những kỳ vọng rằng “con người hành động của Philippines” (Tổng thống Duterte) sẽ dẫn dắt khu vực hướng tới một giai đoạn hội nhập mới. Việc khối ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập đã tạo ra một động lực bổ sung cho một bước đột phá lớn trong năm nay, đặc biệt là trong việc giải quyết tranh chấp biển đảo đang đe doạ xé nát cấu trúc an ninh Châu Á.
Tuy nhiên, những tính toán chính sách đối ngoại của Tổng thống Duterte và sự sùng bái “nguyên tắc đồng thuận” trong ASEAN hiện đang làm tê liệt các quyết định về những vấn đề nhạy cảm như tranh chấp lãnh thổ.
Đầu năm 1996, chỉ hai năm sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm Đá Vành Khăn ở Quần đảo Trường Sa, ASEAN đã đề xuất một bộ quy tắc ứng xử (COC) "đặt nền móng cho sự ổn định lâu dài trong khu vực và thúc đẩy sự hiểu biết giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền” trên Biển Đông.
Ba năm sau, các quốc gia Đông Nam Á đã chuyển cho Trung Quốc đề xuất nói trên và Bắc Kinh đã hứa hẹn sẽ xem xét đầy đủ. Tuy nhiên, vào năm 2002, Trung Quốc chỉ đồng ý với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), một tuyên bố được thiết kế làm bước mở đầu cho một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý trong tương lai.
Đến năm 2011, ASEAN nhận thức được tầm quan trọng của việc trở lại vấn đề COC, khi Bắc Kinh tăng cường tuần tra quân sự và bán quân sự trên các vùng biển đang tranh chấp và tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ diện tích Biển Đông theo cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (đường lưỡi bò) tham lam phi lý và do người Trung Quốc tự vẽ giữa Thế kỷ 20.
Dưới sự lãnh đạo của Indonesia, ASEAN đã nhất trí hoàn thiện bộ hướng dẫn về COC. Tuy nhiên, vào năm sau, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch luân phiên Campuchia, ASEAN thậm chí đã không thể đồng ý thảo luận tranh chấp Biển Đông.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cam kết sẽ thúc đẩy đàm phán COC trong hội nghị kỹ thuật tháng 9 năm 2013 giữa ASEAN và Trung Quốc ở Tô Châu. Tuy nhiên, vào tháng 12 năm đó, Trung Quốc bắt đầu hoạt động trái phép “hút cát đắp đảo” qui mô lớn nhằm biến đổi các bãi đá ngầm và rạn san hô thành các “đảo nhân tạo” như hiện nay và xây dựng trên đó các cơ sở quân sự, đường băng và bố trí các loại vũ khí tiên tiến.
Hành động này rõ ràng đã vi phạm tinh thần và ngôn ngữ của DOC, vốn yêu cầu các quốc gia yêu sách chủ quyền Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc, "tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp" và kiềm chế "hành động cư trú trên các đảo, bãi đá ngầm, rạn san hô, bãi cát và các tính năng khác... để giải quyết những bất đồng một cách xây dựng ".
Để khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, Philippines cam kết sẽ nhanh chóng đẩy nhanh các cuộc đàm phán về COC và hoàn thiện một thỏa thuận khung vào cuối năm nay.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch luân phiên Philippines, ASEAN đã lên kế hoạch tổ chức hai cuộc họp để đưa ra các chi tiết về bộ khung của COC trong năm nay: một ở Bali vào tháng Hai và một ở Philipin (tháng 6/2017).
Trong một thông báo đáng ngạc nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây đã tiết lộ rằng bản dự thảo đầu tiên của COC đã được hoàn thành và đây là một "tiến bộ rõ ràng”, khiến cho "Trung Quốc và các nước ASEAN cảm thấy hài lòng”.
Tuy nhiên, không một quan chức khu vực nào đưa ra bất kỳ chi tiết nào về các thành tố của dự thảo COC, chẳng hạn như cơ sở pháp lý của nó và cách thức sẽ được thực thi như thế nào, một khi nó được hai bên (Trung Quốc và ASEAN) phê chuẩn.
Thêm vào cái mớ bòng bong mơ hồ này là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Philippines. Một mặt, Tổng thống Duterte sẵn sàng gạt sang một bên phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye và thay vào đó tập trung vào can dự kinh tế, chống khủng bố và chống buôn lậu ma túy trong khu vực.
Tuy nhiên, nhiều nhân vật trong cơ quan an ninh và giới học giả Philippines lại muốn Manila tái khẳng định phán quyết hồi tháng 7/2016 của Tòa trọng tài là nền tảng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào về COC nào và đưa tranh chấp Biển Đông vào trọng tâm chương trình nghị sự của ASEAN trong năm nay.
Giáo sư Richard Javad Heydarian kết luận: Vào thời điểm này, có vẻ như cả ASEAN lẫn nước Chủ tịch luân phiên Philippines đều đang bị chia rẽ. Cơ chế khu vực ngày có nguy cơ rơi vào “quên lãng”, nếu không đạt được một bước đột phá đáng ngạc nhiên vào cuối năm nay.
Minh Châu (Theo The National Interest)

>> xem thêm

Bình luận(0)