Đó là nhận định của nhà phân tích Jennifer Lind, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dartmouth, trong bài viết đăng trên báo The New York Times số ra ngày 23/8/2016.
|
Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Ảnh Báo Tuổi Trẻ |
Theo giáo sư Jennifer Lind, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang ngày càng trở nên quyết đoán hơn, đặc biệt liên quan đến yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Hiện thời, Bắc Kinh ra sức thực thi yêu sách chủ quyền tham lam phi lý (và bị Tòa Trọng tài ở La Haye thẳng thừng bác bỏ) ở vùng biển này. Tàu của Trung Quốc ngày càng xâm nhập nhập vùng biển tranh chấp, khai thác tài nguyên và quấy rối tàu của bên tuyên bố chủ quyền khác. Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo (ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và tự khẳng định quyền hàng hải vượt xa những gì luật pháp quốc tế cho phép. Đáng tiếc là những hành động quyết đoán, chèn ép các nước láng giềng và chiến lược "tằm ăn lá dâu"của Trung Quốc ở Biển Đông lại tỏ ra khá thành công.
Các nước láng giềng ven Biển Đông không đủ mạnh để chống lại hành vi xâm phạm của Trung Quốc. Hầu hết các động thái ngang ngược gần đây của Trung Quốc nhằm vào các nước ASEAN vốn có nền kinh tế khiêm tốn và ngân sách quốc phòng nhỏ. Các nước này không muốn đối đầu với Trung Quốc - một cường quốc quân sự ngày càng mạnh và một đối tác kinh tế quan trọng.
Philippines đã phản đối Trung Quốc nhiều hơn các nước khác ven Biển Đông, nhưng chủ yếu trong phòng xử án, không phải trên biển. Nhật Bản là một cường quốc khu vực với sức mạnh tiềm ẩn có thể làm đối trọng với Trung Quốc. Nhưng xét đến các cuộc tranh luận gần đây ở Tokyo, xem ra Nhật Bản thiếu ý chí để tổ chức một nỗ lực cân bằng trong khu vực.
Gánh nặng hiện đang thuộc về Mỹ. Ở Biển Hoa Đông, Washington đã thề sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang tranh chấp với Trung Quốc. Nhưng ở Biển Đông, Mỹ lại theo đuổi lập trường mềm mỏng hơn và chỉ dùng hải quân để củng cố các nguyên tắc tự do hàng hải. Bằng cách hạn chế vấn đề trong khuôn khổ “tự do hàng hải”, Mỹ đang né tránh các câu hỏi về chủ quyền hợp pháp đối với các đảo chìm, đảo nổi trên Biển Đông. Trong thực tế, các hành động của Mỹ có thể khiến cho Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ngày càng ngang ngược và trái với luật pháp quốc tế. Có lẽ, Washington muốn tránh xảy ra một cuộc đối đầu Mỹ-Trung về vấn đề này và khiến cho Bắc Kinh được thế làm già, ngày càng ngang ngược thâu tóm Biển Đông.
Những hòn đảo nhân tạo bị quân sự hóa và Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc tuyên bố có thể áp đặt trên Biển Đông tùy theo tình hình thực tế có lẽ khó có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự Mỹ-Trung. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các đảo nhân tạo-tiền đồn này dễ bị cô lập và dễ bị ném bom hủy diệt.
Thế nhưng cái được lâu dài của Trung Quốc ở Biển Đông là chính trị, chứ không phải quân sự. Các tiền đồn quân sự mới, những áp đặt về kiểm soát không lưu và việc ngang nhiên vơ vét các nguồn tài nguyên ở Biển Đông (thậm chí ở trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác) của Trung Quốc đang có nguy cơ trở thành thông lệ hàng ngày trong khu vực.
Giáo sư Jennifer Lind kết luận: Khi các nước trong khu vực im lặng trước tuyên bố cũng như hành động ngang ngược trái với luật pháp quốc tế theo cách “chân lý thuộc về kẻ mạnh” của Bắc Kinh, họ sẽ cảm thấy thách thức Trung Quốc là một sự khiêu khích nguy hiểm. Đến khi đó, Biển Đông có nguy cơ bị biến thành “ao nhà” của Trung Quốc.