Theo học giả Stephen Haggard - giáo sư Đại học California ở San Diego, sự đào tẩu hàng loạt của các nhà ngoại giao Triều Tiên đang nắm giữ ngoại tệ sẽ làm cho Bình Nhưỡng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đem tiền từ nước ngoài về nước và cuối cùng có thể khiến cho CHDCND sa vào một cuộc khủng hoảng tài chính.
Nhà phân tích Stephen Haggard cho rằng xuất khẩu lao động đã mang lại cho Bình Nhưỡng một nguồn thu quan trọng về ngoại tệ mạnh và góp phần vào sự tăng trưởng của CHDCND Triều Tiên.
Tuần trước, chính phủ ở Seoul xác nhận rằng một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên ở London đã cùng với gia đình đào thoát sang Hàn Quốc. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt trong tầng lớp tinh hoa của CHDCND Triều Tiên.
|
Phó đại sứ Thae Yong-ho của Đại sứ quán Triều Tiên ở London đã đào tẩu sang Hàn Quốc và mang theo nhiều bí mật về cách kiếm ngoại tệ của Bình Nhưỡng ở nước ngoài. Ảnh The Guardian |
Seoul không xác nhận liệu Phó đại sứ Thae Yong-ho có mang theo ngoại tệ hay tài khoản ngân hàng hay không, nhưng việc ông này bỏ trốn có thể giáng một đòn mạnh vào thu nhập ở nước ngoài của Triều Tiên vì ông Thae Yong-ho biết khá rõ về hoạt động ngoại hối của Bình Nhưỡng ở Châu Âu.
Hồi tháng 4/2016, một nhóm 13 nhân viên làm việc tại một nhà hàng nhà nước của Triều Tiên ở Trung Quốc đã đồng loạt đào thoát sang Hàn Quốc. Điều này cho thấy tầng lớp tinh hoa của Triều Tiên bắt đầu rúng động trước lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và tìm cách đào tẩu.
Tại cuộc hội thảo do Quĩ Đông Á tổ chức ở Seoul, giáo sư Stephen Haggard nói: "Xét theo khía cạnh lịch sử, tôi chưa hề nghĩ đến sự sụp đổ của Bắc Triều Tiên về mặt chính trị, nhưng tôi tin vào kịch bản ... liên quan đến khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính".
Thu nhập ngoại tệ của Triều Tiên đang cạn kiệt do lệnh cấm thương mại của Liên Hợp Quốc và sự đóng cửa của Khu công nghiệp liên Triều Kaesong. Điều này khiến cho đất nước dễ bị tổn thương trước một cuộc khủng hoảng tài chính "đột ngột bất ngờ".
Hiện thời, Bình Nhưỡng đang dựa vào xuất khẩu lao động và đây là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Các nhà ngoại giao Triều Tiên được giao nhiệm vụ đảm bảo nguồn thu nhập ngoại tệ cần thiết này để góp phần duy trì sự tồn tại của chế độ.
Giáo sư Stephen Haggard nhận định: "Nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng trong hoạt động kiếm ngoại tệ của Bộ Ngoại giao Triều Tiên và xuất khẩu lao động, các vụ đào tẩu hàng loạt thực sự có thể thúc đẩy kịch bản khủng hoảng tài chính”. Ông nói thêm: "Nếu có ai đó rời khỏi Hàn Quốc với 50 triệu USD, thì sẽ chẳng có gì xảy ra. Nhưng số tiền đó lại là rất lớn đối với Bắc Triều Tiên. Vì vậy, làn sóng đào tẩu ảnh hưởng đến các luồng ngoại tệ chảy về nước có thể làm giảm khả năng của Bình Nhưỡng trong việc duy trì lòng trung thành với chế độ”.
Nhà phân tích Stephen Haggard nói rằng bất chấp thiếu hụt về tài chính, cho đến nay CHDCND Triều Tiên vẫn có một thị trường ngoại tệ ổn định, một phần là do Trung Quốc chưa thực sự tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng. Ông nhận định: “ Chừng nào Trung Quốc còn sẵn sàng cứu trợ để duy trì nền kinh tế Bắc Triều Tiên tồn tại, thì mọi biện pháp ưu đãi để khuyến khích Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán đều là vô nghĩa”. Giáo sư kêu gọi thế giới nên có những nỗ lực để Trung Quốc sử dụng đòn bẩy buộc Triều Tiên bước vào bàn đàm phán.
Theo giáo sư Stephen Haggard, việc triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc có thể là một trong những sự lựa chọn. Ông giải thích: “Thông điệp của THAAD không chỉ dành cho Mỹ và Hàn Quốc. Đó là một thông điệp dành cho Trung Quốc vì không có tiến bộ nào trong việc kiềm chế chương trình tên lửa (của Bắc Triều Tiên)".