Biển Đông trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN

Google News

(Kiến Thức) - Bắt đầu từ tháng 9/2013, Trung Quốc sẽ hội đàm với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) về Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Căng thẳng Biển Đông thách thức quan hệ Trung Quốc-ASEAN.
Tạp chí South Reviews có trụ sở tại Quảng Châu nhận định nếu thành công, các cuộc đàm phán về COC sắp tới sẽ giúp Trung Quốc và các nước láng giềng giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á từng là công cụ để Trung Quốc phá vỡ thế bị phương Tây cô lập ngoại giao sau năm 1989. Thông qua việc tham gia vào một loạt cơ chế đa phương do các nước ASEAN chi phối, Trung Quốc cũng đã thành công trong việc thiết lập các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước trong khu vực.
Sau khi thành lập Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN trong năm 2010, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 40 tỷ USD trong năm 2001 lên  400 tỷ USD trong năm ngoái. Trong năm 2010, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và Liên minh Châu Âu, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. ASEAN cũng đã vượt qua Nhật Bản, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong năm 2011.
Kể từ khi Trung Quốc trở thành đối tác đối thoại của ASEAN trong năm 1991, quan hệ kinh tế-thương mại là  một bộ phận quan trọng của quan hệ tổng thể Trung Quốc-ASEAN. Trong một thời gian dài, các quốc gia ASEAN thặng dư thương mại với Trung Quốc. Trong số 10 nước thành viên ASEAN, Malaysia, Thái Lan và Singapore là ba đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc năm ngoái, trong khi Malaysia, Thái Lan, và Indonesia là ba nhà xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đang bị đe dọa bởi tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông, một vùng biển được cho là có  tài nguyên thiên nhiên phong phú và là một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.
Tranh chấp Biển Đông có thể sẽ phá vỡ quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia. Năm ngoái, Malaysia thặng dư 21,8 tỷ USD trong thương mại với Trung Quốc có tổng kim ngạch 94,8 tỷ USD.
Tạp chí South Reviews nhận định mặc dù quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Philippines đã lên tới 36,3 tỷ USD trong năm ngoái, tăng từ mức 5,3 tỷ USD của năm 2003. Mỹ và Nhật Bản vẫn là hai đối tác thương mại quan trọng nhất của Philippines và là các nguồn chính về đầu tư và công nghệ. Người trong cuộc tin rằng đây là lý do vì sao Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã theo đuổi lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông, thậm chí chấp nhận hy sinh sự hợp tác kinh tế và thương mại với Trung Quốc.
Cùng với sự phát triển của quan hệ kinh tế thương mại  song phương, quan hệ ngoại giao Trung Quốc-ASEAN sẽ ngày càng trở nên phức tạp nếu tranh chấp Biển Đông không được xử lý ổn thỏa, trong khi tình trạng mất cân bằng thương mại cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ tổng thể song phương.
Lê Chân (theo WantChinaTimes)

Bình luận(0)