Ai đã khiến cho chính phủ Mỹ bị đóng cửa?

Google News

Người đã đẩy chính quyền Obama lâm vào tình cảnh bị đóng cửa là Mark Meadows - một nghị sĩ ít tên tuổi, mới vào Quốc hội Mỹ có 8 tháng.

Hạ nghị sĩ Mark Meadows, người có "công lớn" trong việc buộc chính phủ Mỹ phải đóng cửa từ ngày 1/10/2013. 
Hạ nghị sĩ Mark Meadows, đại diện khu vực phía tây của bang Bắc Carolina. Ông này đã tác động một cách kín đáo, hiếm khi xuất hiện trước ống kính hay micro của giới truyền thông.
Hồi tháng 8/2013, khi các nghị sĩ còn chưa họp hành, ông Meadows đã viết một bức thư cho lãnh đạo phe Cộng hòa, đề xuất rằng họ nên yêu cầu bãi bỏ Obamacare và “gắn” yêu cầu này vào dự luật ngân sách chính phủ năm tới. Bức thư có đoạn nói viết: “Quyền lực đối với cái ví có thể được coi là vũ khí tối thượng và hiệu lực để tìm sự bù đắp cho những oán giận bấy lâu nay”.
Meadows đã thuyết phục được 79 nghị sĩ khác ký vào bức thư của mình. Và ông này tiến xa hơn khi dẫn đầu một nhóm 40 nghị sĩ đòi loại bỏ chương trình Obamacare ra khỏi dự luật ngân sách ngắn hạn đang được bàn bạc. Điều đó cũng có nghĩa là Meadows muốn xóa sạch thành công về mặt chính sách đối nội của Tổng thống Barack Obama từ trước đến nay.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNN, Hạ nghị sĩ Meadows giải thích cho hành động của mình: “Mục đích của chúng tôi không bao giờ là đóng cửa chính phủ. Mục đích là ngừng luật chăm sóc sức khỏe”.
Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện lúc đầu ngần ngại và bác bỏ kế hoạch do Meadows đề xuất. Chủ tịch Hạ viện John Boehner và nhiều nghị sĩ Cộng hòa cho rằng chiến lược này có thể khiến chính phủ phải đóng cửa và Thượng viện do phe Dân chủ chiếm đa số sẽ không đời nào chấp nhận. Ngoài ra, họ cho rằng nếu làm vậy, phe Cộng hòa sẽ bị buộc tội đóng cửa chính phủ. Đó là một mạo hiểm chính trị mà lãnh đạo phe Cộng hòa không hề muốn thử lao vào.
Mặc dù bức thư của Meadows không đại diện cho đa số đảng Cộng hòa nhưng về sau, nó là một nhân tố thuyết phục Chủ tịch Hạ viện Boehner tiến tới với kế hoạch cấp tiền cho chính phủ nhưng không chi một xu nào cho Obamacare.
“Bất chấp hậu quả”
Trước sự lưỡng lự của lãnh đạo Cộng hòa, Meadows cho biết ông hiểu rằng giới lãnh đạo có trách nhiệm phải nghĩ đến tương lai của đảng, rằng theo đuổi kế hoạch này có thể ảnh hưởng mục tiêu lâu dài của đảng. Tuy nhiên, Meadows khẳng định đó là trách nhiệm của giới lãnh đạo, không phải là mối quan tâm của ông.
Ông Meadows phát biểu rằng nhiệm vụ của ông đầu tiên là đảm bảo rằng ông đại diện cho 749.000 người đã bầu ra ông và cử tri ở khu vực của ông muốn ông chống lại Obamacare “bất chấp hậu quả”. Khu vực của ông Meadows là nơi khá bảo thủ và nghiêng về phe Cộng hòa.
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ có thế. Meadows có mối quan hệ rất chặt chẽ với Đảng Trà (Tea Party) và có vai trò quan trọng trong chương trình hoạt động của phong trào này. Trong thực tế, từ một doanh nhân địa phương, ông Meadows trở thành nghị sĩ là nhờ có sự giúp đỡ của Đảng Trà. Trước khi quyết định làm bệ phóng cho Meadows, đại diện Đảng Trà ở Bắc Carolina đã tìm hiểu rất kỹ để đảm bảo mọi ứng cử viên đều đại diện cho quan điểm của phong trào này. Jane Bilello, thủ lĩnh nhóm Đảng Trà ở Asheville, Bắc Carolina, cho biết Meadows là “hình mẫu chuẩn” của Đảng Trà, đặc biệt là về vấn đề Obamacare.
Các tổ chức liên kết với Đảng Trà cũng theo dõi rất sát sao mọi việc liên quan đến nghị sĩ mà họ ủng hộ. Họ nắm rõ trong lòng bàn tay mọi hành động của nghị sĩ đó, từ việc người này bỏ phiếu thế nào, ký thư từ gì và có vai trò gì trong mọi tiến trình lập pháp.
Với sự ủng hộ từ giới lãnh đạo Đảng Trà, mặc dù gặp thách thức khi tuyên truyền cho kế hoạch chống Obamacare, mặc dù bị coi là người không được quý chuộng ở quốc hội, nhưng Meadows vẫn theo đuổi kế hoạch của mình. Và những sách lược của ông này đã có hiệu quả khi Chủ tịch Hạ viện Boehner vốn lưỡng lự nay đã đi theo kế hoạch của ông. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách tạm thời nhưng trì hoãn một năm Obamacare.
Tất nhiên, Thượng viện không chấp nhận điều này và hậu quả là chính phủ Mỹ đã bị đóng cửa, lần đầu tiên trong 17 năm qua.
Trong khi đó, nghị sĩ Meadows tỏ ra hài lòng khi đang ở đúng nơi mà các cử tri của ông ta muốn. Ông kết luận: “Đó là một nơi an toàn cho tôi”. Dù vậy, Meadows vẫn phủ nhận ông đã “đổ thêm dầu vào lửa” ở Washington.
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)