Quốc vương Ả-rập Xê-út
Salman bin Abdulaziz al-Saud rất ấn tượng với chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria. Do vậy, ông được cho là đang lên kế hoạch tới Moscow trước cuối năm nay để “thành lập một liên minh với Nga chống IS”, tiến sĩ Mordechai Kedar viết trên báo Arutz Sheva.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz al-Saud. (Ảnh tư liệu)
|
Vương quốc dầu mỏ Ả-rập Xê-út vốn là một trong những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Trung Đông nhưng từ lâu, Riyadh và Washington dường như dần dần trở nên "xa cách". Trong khi đó, Ả-rập Xê-út và Nga ngày càng quan tâm đến việc cải thiện mối quan hệ song phương.
Kedar – người từng làm việc trong cơ quan tình báo quân sự của IDF – đã đưa ra bốn lý do chính lý giải việc này.
“Lý do quan trọng nhất đó là vị thế của Mỹ trong khu vực đã suy yếu, nhất là khi bắt đầu chiến dịch bầu cử của nước Mỹ”, Kedar nhấn mạnh. Không ai muốn bàn luận thêm về vấn đề này, nhất là khi hiện giờ thỏa thuận Iran “đã được thực hiện”.
Thêm vào đó, Ả-rập Xê-út lại rất ấn tượng với nỗ lực chống khủng bố của Nga. Mặc dù vậy, họ cũng không muốn Moscow đưa bộ binh tới Syria.
Và cuối cùng, Riyadh “lo sợ một liên minh Iran-Nga sẽ vượt ngoài phạm vi ảnh hưởng của Ả-rập Xê-út".
Theo nhà phân tích Kedar, nếu không có sự ủng hộ của Mỹ và Châu Âu, Ả-rập Xê-út sẽ hành động theo chiến thuật “Nếu bạn không thể đánh bại đối thủ thì hãy hợp tác với họ”. Quốc vương Salman cảm thấy rằng ông sẽ nâng tầm ảnh hưởng đối với người Iran liên quan tới Yemen, Iraq và Syria nếu gia nhập liên minh chống IS với Nga.
Tiến sĩ Kedar cũng khẳng định rằng, chiến dịch không kích của Nga tại Syria mang lại hiệu quả vì nó đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Các lực lượng do chính phủ Damascus dẫn đầu dưới sự yểm trợ hỏa lực của Nga đã tiến hành một cuộc tổng tấn công trên mặt đất giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực từ tay khủng bố.
Ngày 30/9, Nga khởi động chiến dịch không kích IS tại Syria theo đề nghị chính thức từ phía Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Đến nay, máy bay Nga đã tiến hành khoảng 1.000 đợt xuất kích, tiêu diệt nhiều kẻ khủng bố; đồng thời phá hủy các trung tâm chỉ huy, trại huấn luyện và các kho vũ khí của phiến quân.