9 điều cần biết về quân nổi dậy Syria

Google News

(Kiến Thức) - Ngầm đứng về phía quân nổi dậy Syria, Mỹ, phương Tây quyết liệt chống lại chế độ Assad bất chấp hàng loạt điều tiếng mà phe này vướng phải.

 Các chiến binh nổi dậy Syria.
Một trong những câu hỏi quan trọng nhưng dường như lại bị bỏ quên trong các cuộc tranh luận của Mỹ và phương Tây về vấn đề Syria đó là: Quân nổi dậy bao gồm những thành phần nào hay họ là ai? Mỹ và các nước khác có nên hỗ trợ, chống lưng cho họ không?
Điều đầu tiên cần biết về quân nổi dậy Syria là không cùng chí hướn mặc dù chia sẻ mục tiêu cơ bản nhất là chống lại chính phủ Syria. Quân nổi dậy Syria phân chia thành nhiều phe phái với những chương trình nghị sự riêng, dẫn đến sự phân mảnh và chia rẻ trong nội bộ. Trong hàng ngũ quân nổi dậy, nhiều nhóm có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Thứ 2, quân nổi dậy Syria ban đầu hình thành từ dân thường Syria, nhưng nay đã phát triển bao gồm một bộ phận không nhỏ chiến binh nước ngoài.
Để hiểu biết cặn kẽ và cụ thể về đội quân ô hợp đang chiến đấu chống lại chính phủ Syria, CNN đưa ra một danh sách gồm 9 điều chi tiết dưới đây.
1. Phe đối lập Syria ban đầu không phải là một phong trào quân sự.
Khủng hoảng Syria bắt đầu nổi lên hồi tháng 3/2011 bởi các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại chính phủ Assad, đòi cải cách dân chủ.
2. Biểu tình ôn hòa biến thành bạo lực.
Những cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng khắp Syria. Những yêu cầu cải cách nhanh chóng leo thang thành lời đòi hỏi Tổng thống Assad.từ chức.
Lực lượng an ninh Syria dùng mọi biện pháp đàn áp người biểu tình, trong đó không ngại nổ súng vào đám đông. Cuộc nổi chiến Syria bùng nổ. Tháng 7/2011, 7 sĩ quan quân đội Syria xuất hiện trên một đoạn video tuyên bố đào ngũ và thành lập “Quân đội Tự do Syria”, cam kết tiến hành chiến tranh du kích chống chế độ Assad.
3. Một số nhóm nổi dậy liên minh chặt chẽ với al-Qaeda.
 Chiến binh nổi dậy Syria chiến đấu.
Cánh al-Qaeda trong hàng ngũ quân nổi dậy Syria rõ ràng nhất là nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) và chiếm vị thế đáng kể. Ngoài ra còn có nhóm Jabhat al-Nusra. Đây được xem là lực lượng chống chế độ Assad hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nhóm này bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Các nhóm quân nổi dậy Syria liên hệ với al-Qaeda được cho là mạnh nhất, thiện chiến nhất và sẵn sàng sử dụng các chiến thuật cực đoan như đánh bom liều chết.
Đó là lý do tại sao không ít người Mỹ và phương Tây quan ngại về việc hỗ trợ quân nổi dậy, đặc biệt là các lô hàng vũ khí. Sẽ là bi kịch cho không chỉ Mỹ, phương Tây mà cả thế giới khi số vũ khí hỗ trợ quân nổi dậy Syria rơi vào tay những kẻ khủng bố, cực đoan, chống lại nhân loại.
4. Không phải tất cả là chiến binh thánh chiến.
Nhiều binh sĩ thuộc quân đội Syria tuyên bố đào ngũ vì không muốn chĩa  súng vào người biểu tình. Nhiều dân thường Syria gồm cả sinh viên, người lao động, chủ cửa hàng, thương nhân, cũng gia nhập hàng ngũ quân nổi dậy. Ngoài ra, còn có lực lượng dân quân địa phương được binh sĩ đào ngũ huấn luyện.
Andrew Tabler, một thành viên cao cấp tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông bình luận: “Có quá nhiều tiếng nói khác nhau trong nội bộ quân nổi dậy”.
5. Quân nổi dậy không có nhân vật/nhóm nào đủ khả năng lãnh đạo
Nếu chế độ Assad sụp đổ, Syria chắc chắn sẽ tiếp tục chìm sâu vào nội chiến với các nhóm/phe phái nổi dậy đánh nhau để tranh giành quyền lực.
Hiện nay các nhóm quân nổi dậy đang bắt tay nhau để đạt được mục tiêu chung là lật độ chính phủ Assad nhưng nhóm al- Nusra tuyên bố, sau khi chế độ bị lật đổ, “mục tiêu chính của chúng tôi là thành lập một nhà nước Hồi giáo được dẫn dắt bởi kinh Koran. Chúng tôi thấy Quân đội Tự do Syria là một trong nhiều nhóm bảo vệ tôn giáo nên hỗ trợ họ. Song trong tương lai, chúng tôi sẽ có cách xử lý khác”.
6. Tôn giáo thúc đẩy nhiều người cầm vũ khí.
Chiến binh quân nổi dậy chủ yếu là người Sunni chống lại giáo phái thiểu số Alawite của dòng họ Assad, có mối liên hệ với dòng Hồi giáo Shiite. Do đó, trong khi các quốc gia Sunni như Saudi Arabia công khai hỗ trợ quân nổi dậy thì Iran lại đổ vũ khí vào Syria giúp chế độ Assad duy trì quyền lực.
Điều này không có lợi cho tương lai Syria. Các nghiên cứu cho kết quả, nội chiến tôn giáo kéo dài và đẫm máu hơn hẳn so với các loại xung đột, đụng độ khác.
7. Chiến binh nước ngoài ở Syria và mục tiêu của họ
Hàng nghìn chiến binh nước ngoài được cho là đã xâm nhập vào hàng ngũ quân nổi dậy Syria kể từ đầu năm 2011. Viện Washington về Chính sách Cận Đông ước tính, hiện có khoảng từ 2.000 đến 5.500 chiến binh nước ngoài đang chiến đấu ở Syria. Trong khi theo số liệu ước tính trong báo cáo của Ngoại trưởng Mỹ Kerry, phe nổi dậy Syria có khoảng 70.000 - 100.000 chiến binh và số chiến binh cực đoan chỉ chiếm khoảng 15%-25%. Nhiều quan chức Mỹ cũng như các nhà quan sát tin rằng tỷ lệ ước tính như trên không đúng và chắc chắn phải lớn hơn nhiều.
8. Vị thế của quân nổi dậy Syria hiện nay
Quân nổi dậy giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng trong khu vực như miền Bắc Syria nhưng lại chật vật và tỏ gặp nhiều khó khăn khi tấn công vào các thành trì của chế độ. Họ không thể vượt qua được sức mạnh không quân vượt trội của chế độ Assad.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều chiến đấu trên chiến trường, Liên minh Quốc gia Syria là tổ chức đại diện cho phe đối lập Syria hình thành năm ngoái. Họ chuyên gặp gỡ các lãnh đạo phương Tây và khu vực để kêu gọi hỗ trợ tài chính và quân sự cho phe đối lập Syria với mục tiêu lật đổ chế độ Assad.
Từ đó, quân nổi dậy Syria nhận được vũ khí từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các chính phủ nước ngoài.
9. Quân nổi dậy Syria sử dụng vũ khí hóa học và phạm tội ác chiến tranh
Tháng này, một quan chức Liên Hợp Quốc cho biết, các bằng chứng thu thập được trong vụ tấn công hóa học làm chết hàng nghìn người Syria ngày 21/8 chỉ ra thủ phạm chính là quân nổi dậy chứ không phải ai khác. Lý do là, các hợp chất hóa học không giống với công thức quy chuẩn mà dường như được tự chế tạo và pha trộn. Song báo cáo chính thức của các thanh sát viên vũ khí Liên Hiệp Quốc “không kết luận bên nào trong cuộc xung đột Syria sử dụng vũ khí hóa học”.
Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền thế giới bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc quân nổi dậy cũng phạm phải các tội ác chiến tranh chống lại loài người bao gồm tra tấn, giam bớ vô lý, giết người và thậm chí thảm sát.
Bạch Dương (Theo CNN)

Bình luận(0)