Nhật Bản tiến vào đấu trường địa chính trị Myanmar

Google News

(Kiến Thức) - Với chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đang làm nóng thêm cuộc đấu địa chính trị Trung-Mỹ tranh giành ảnh hưởng ở quốc gia Đông Nam Á này.

 

Đó là nhận định của nhà phân tích Valery Kistanov, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện Viễn Đông trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. 

Trong chuyến thăm 3 ngày, bắt đầu từ 24/5, tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe là các nhà lãnh đạo của 30 công ty lớn ở Nhật Bản. Có thể thấy rằng các doanh nhân Nhật Bản sẽ “cắm cọc, đánh dấu” lãnh địa kinh tế của họ ở Myanmar, với ý đồ địa chính trị thầm lặng.

Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Shinzo Abe diễn ra giữa lúc có bước đột phá mạnh mẽ của Mỹ trong quan hệ với Myanmar. Tháng 11 năm ngoái, nước Đông Nam Á này lần đầu tiên trong lịch sử đón tiếp một vị Tổng thống Mỹ. Còn ngày 20/5, Tổng thống Barack Obama đã long trọng tổ chức lễ nghênh tiếp Tổng thống Myanmar tại Nhà Trắng.

Ngay từ đầu tháng 1/2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Myanmar làm điểm đến dành cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Phó Thủ tướng Taro Aso. Khi đó Tokyo đã làm những gì mà Mỹ đã làm từ trước. Bây giờ, tiếp sau Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Shinzo Abe cũng khuyến khích phát triển mối quan hệ của giới kinh doanh Nhật Bản với Myanmar.

Thế nhưng, nhà phân tích Valery Kistanov tin chắc rằng đây mới chỉ là bước đầu và là vẻ bên ngoài. Ông nói tiếp: “Trên thực tế, đằng sau cái vẻ bề ngoài đó là mối quan tâm địa chính trị và quyền lợi kinh tế. Nhật Bản thâm nhập địa bàn Myanmar là chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Bây giờ, người Mỹ đã công bố chiến lược trở lại châu Á và Nhật Bản cũng chú trọng đến khu vực châu Á. Đối với ông Shinzo Abe, điều rất quan trọng ở Myanmar không chỉ là làm đối trọng chính trị với Trung Quốc, mà còn duy trì mối quan hệ kinh tế với đất nước này. Ông đang tập trung vào sự phát triển hợp tác kinh tế với các nước châu Á làm một trong những động lực đưa Nhật Bản ra khỏi tình trạng trì trệ kinh tế. Và Myanmar là một đối tác đầy triển vọng”.

Tuần tới, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh sẽ đến Tokyo. Chắc hẳn, Thủ tướng Shinzo Abe cũng hy vọng thu hút được các doanh nghiệp Ấn Độ góp phần vào sự nghiệp phục hồi nền kinh tế Nhật Bản.

Từ lâu, các quan sát viên đã lưu ý đến chi tiết khác trong đời sống bang giao quốc tế: Tokyo đang khéo léo dệt một mạng lưới bao quanh Trung Quốc. Còn Trung Quốc thì cố đẩy bật Ấn Độ ra khỏi Myanmar, nơi New Delhi vốn có ảnh hưởng truyền thống. Ông Shinzo Abe có thể tận dụng cơ hội và có lẽ ông sẽ mời người đồng nhiệm Ấn Độ kết thân tại đất Myanmar. Tuy nhiên, làm suy yếu vị thế của Trung Quốc tại Myanmar sẽ là công việc khó khăn.

Nhà phân tích Valery Kistanov nhận định: “Trên thực tế, Myanmar là một trong những trụ cột hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Đông Á. Thêm vào đó, với những cơ sở hạ tầng đã xây dựng ở Myanmar, Trung Quốc có khả năng vận chuyển dầu khí trên đất liền chứ không cần chở bằng tàu qua eo biển Malacca, đang do người Mỹ kiểm soát. Tại Myanmar, Trung Quốc đang xây dựng cảng nước sâu và đây là điều hết sức quan trọng đối với Bắc Kinh để biến thành một cường quốc đại dương”.

Được sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ, dòng vốn lớn của Nhật Bản sẽ đổ vào Myanmar, với ý định nghiêm túc và dài hạn. Xem ra, Myanmar đang trở thành vũ đài của cuộc đấu địa chính trị giữa các ông lớn trong và ngoài khu vực. Mức giá đặt cược cho phần thắng là rất cao. Đó là nguồn tài nguyên dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn và vị trí độc đáo của Myanmar trên bản đồ địa chính trị châu Á.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo Tiếng nói nước Nga)

Bình luận(0)