Triều Tiên có thể học hỏi những gì từ Myanmar?

Google News

(Kiến Thức) - Một câu hỏi mà giới hoạch định chính sách dài hạn ở phương Tây có thể đã bỏ qua là liệu Triều Tiên có trở thành Myanmar tiếp theo?

 

Myanmar đã khiến cho mọi người ngạc nhiên khi trở thành niềm mơ ước của không ít nhà đầu tư phương Tây. Mặc dù có những khác biệt đáng kể, nhưng hai nước này cũng có những điểm tương đồng khiến cho các nhà đầu tư lạc quan về tương lai của Triều Tiên.

Cách đây không lâu, Myanmar chỉ có một đồng minh duy nhất là Trung Quốc. Trong hơn một thập kỷ, cộng đồng quốc tế đã áp đặt lệnh trừng phạt Myanmar vì vi phạm nhân quyền và chỗ dựa duy nhất của Myanmar là Trung Quốc. Nhưng chính quyền dân sự Myanmar đã theo đuổi cải cách và dẫn đến việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu trong hồi tháng 9/2012 và các công ty phương Tây đang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước này.

Có nhiều lý do để các nhà đầu tư chú ý đến Myanmar. Nước này có đất đai màu mỡ cho nông nghiệp, nhiều loại đá quý cũng như có trữ lượng lớn về dầu khí, than đá và kim loại.

Sự chuyển đổi ở Myanmar một phần là do ban lãnh đạo nước này nhận ra rằng phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đang gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Do đó, chính phủ Myanmar ưu tiên đa dạng hóa các đối tác thương mại và bắt đầu bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.

Lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng có thể trở thành một vấn đề lớn đối với Triều Tiên.

Trung Quốc đã góp phần duy trì sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên với các khoản viện trợ hào phóng và sự bảo vệ hữu hiệu về ngoại giao. Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), Trung Quốc đang cung cấp cho Triều Tiên hầu hết nhu cầu về năng lượng, hàng hóa tiêu dùng và gần một nửa nguồn cung thực phẩm của nước này. Nhưng bất chấp sự hỗ trợ đó, ban lãnh đạo ở Bình Nhưỡng Triều Tiên thường phớt lờ  yêu cầu của Bắc Kinh. Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 vào tháng 2/2013, bất chấp việc Trung Quốc công khai yêu cầu nước này không nên làm điều đó.

Áp lực kinh tế-chính trị không tác động mạnh đến lãnh đạo Triều Tiên, một phần vì nước này theo đuổi tư tưởng “tự lực cánh sinh” (tư tưởng Juche) và phản ứng rất tiêu cực trước áp lực bên ngoài. Khi Triều Tiên cảm thấy bị khiêu khích, nước này thường hành động theo hướng ngược lại để chứng minh sự độc lập của mình.

Đối với Trung Quốc, bỏ rơi Triều Tiên là một vấn đề cực kỳ khó xử. Chiến lược của Trung Quốc là một sự kết hợp giữa hình thức khiển trách với can dự về kinh tế, với  hy vọng sẽ dần dần thay đổi tư duy của lãnh đạo Triều Tiên. Trong khi đó, ban lãnh đạo Triều Tiên nhận thức được sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc và tư tưởng “tự lực cánh sinh” có thể thúc đẩy đa dạng hóa như ở Myanmar.

Giống như Myanmar, Triều Tiên cũng có  một sức hấp dẫn đáng kể đối với các nhà đầu tư. Miền Bắc Triều Tiên cũng có trữ lượng lớn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác và  theo ước tính của chính phủ Hàn Quốc, nguồn tài nguyên này trị giá tới 6.000 tỷ USD. Đất nước này cũng tự hào về việc có một lực lượng lao động giá rẻ tay nghề cao, với tỷ lệ biết chữ còn cao hơn cả Myanmar.

Các chuyến thăm gần đây của các nhân vật nổi tiếng của Mỹ như Chủ tịch Google Eric Schmidt và cựu ngôi sao bóng rổ Dennis Rodman cho thấy  Mỹ vẫn có thể sử dụng “quyền lực mềm” để tác động đến quá trình chuyển đổi ở Triều Tiên.

Tất nhiên, khó có thể áp dụng “quyền lực mềm” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Kể từ vụ thử hạt nhân hồi tháng Hai, Triều Tiên đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Mỹ ở châu Á. Bình Nhưỡng cũng đã đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong và tuyên bố tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc. Đây là những hành động không thể bỏ qua. Thế nhưng trong việc quyết định một đối sách thích hợp, điều quan trọng là tìm hiểu các nhà lãnh đạo Triều Tiên đang toan tính như thế nào và tương lai của nước này rồi sẽ ra sao.

Trong khi chờ đợi, quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên là điều mà các nhà đầu tư ở khu vực Đông Nam Á đang theo dõi chặt chẽ nhất. Biết đâu, Triều Tiên lại chẳng có thể học những bài học giá trị từ Myanmar.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Lê Chân (theo CNN)

Bình luận(0)