“Tiến, thoái lưỡng nan” trong chính sách đối ngoại Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Lựa chọn nhân sự là chỉ dấu về chính sách sắp tới, nhưng chính sách đối ngoại lại không phải là ưu tiên của ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc.

 Một kỳ họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc.

Các kỳ họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc (NPC) bắt đầu vào khoảng đầu tháng Ba và thường kiểm tra, phê duyệt công việc của chính phủ. Kỳ họp của NPC lần này được toàn thế giới quan tâm theo dõi vì nó xác nhận Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước.

Phiên họp này cũng sẽ bổ nhiệm Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Lý Khắc Cường giữ chức Thủ tướng Quốc vụ viện cũng như chọn người thay thế Ủy viên Quốc vụ  Đới Bỉnh Quốc và và Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì.

Trong bài viết gần đây về tình thế “tiến, thoái lưỡng nan” của chính sách đối ngoại Trung Quốc, học giả Linda Jacobsen của Viện Chính sách Quốc tế Lowy (Lowy Institute for International Policy)  nhận định rằng chính sách đối ngoại không phải là ưu tiên hàng đầu của ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh do họ đang phải chịu nhiều sức ép về tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

Mặc dù không phải là ưu tiên hàng đầu, nhưng ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng không thể bỏ qua các vấn đề đối ngoại, khi Trung Quốc không còn tiếp tục “giấu mình, chờ thời” như trước nữa. Thứ nhất vì thế giới đang ngày càng quan tâm đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc và thứ hai vì ranh giới giữa các vấn đề trong nước, khu vực và toàn cầu đang bị xóa nhòa.

Do đó, những vấn đề như tình hình Afghanistan sau năm 2014 không chỉ là một vấn đề quốc tế mà còn tác động đến khu vực Trung Á rộng lớn, đến  quan hệ của Trung Quốc với các nước Trung Á, đến Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và cuối cùng đến tình hình chính trị ở Tân Cương. Một ví dụ khác là vụ thử hạt nhân gần đây của Triều Tiên. Nhiều nhà bình luận phương Tây đã đặc biệt tập trung vào “trách nhiệm” của Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Họ đều cho rằng chỉ Trung Quốc mới có thể gây ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng. Trường hợp Triều Tiên cho thấy Trung Quốc bị ràng buộc vào các vấn đề phức tạp trong khu vực và quốc tế, những vấn đề mà Bắc Kinh cần xử lý và dự kiến phải xử lý trong tương lai.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Trung Quốc mới còn phải xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Những tranh chấp này cho thấy tinh thần dân tộc vẫn đang khiến cho các bên tranh chấp, trong đó có Trung Quốc, khó có thể nhượng bộ về những vấn đề liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ.

Những ví dụ này cho thấy hai thách thức lớn đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong tương lai gần. Thứ nhất, ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc và những người thừa kế hai ông Đới Bỉnh Quốc và Dương Khiết Trì cần phải xử lý ổn thỏa “mớ bòng bong chính trị" ở châu Á. Thứ hai, Trung Quốc cần can dự tốt hơn với các nước láng giềng lân cận, khi một số các nước láng giềng của Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa”. Một hệ quả hơn nữa là điều này cũng có thể khiến cho các nước láng giềng của Trung Quốc ngả về phía Mỹ và thúc đẩy chiến lược “xoay trục” sang châu Á của chính quyền Obama.

Vậy Trung Quốc có thể làm gì? Như học giả Liu Jia gần đây bàn về chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Triều Tiên, ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh cần trình bày rõ ràng về những mục tiêu, và quan trọng hơn, về những  giới hạn trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh cần làm rõ về những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc và những gì là hoàn toàn không thể thương lượng nhằm nâng cao hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực và trong quan hệ với Mỹ.

Quyết định về chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện đang là lý do dẫn đến hiểu lầm giữa Trung Quốc và Mỹ hoặc giữa Trung Quốc và châu Âu. Sự hiểu lầm này chỉ dẫn đến lo ngại về việc liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc “có trách nhiệm” và  chính sách đối ngoại của Trung Quốc  có “trách nhiệm” như thế nào trong tương lai gần.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)