Hơn 3 năm sống và cống hiến tại Sapa, thầy đã giúp hàng trăm em nhỏ học lớp tiếng anh miễn phí có thể tự tin trò chuyện với người nước ngoài và phụ giúp cha mẹ trong cuộc sống mưu sinh.
Nói thầy giáo “không chuyên” cũng đúng đối với anh, bởi anh đâu có học qua bất kỳ trường đào tạo nghiệp vụ sư phạm nào. Anh Tạ Văn Thương sinh năm 1976, sống ở Hà Nội phồn hoa, náo nhiệt tốt nghiệp trường Đại học Ngoại thương, được đi du học
Singapore rồi lại quyết định gắn bó với trẻ em nghèo và người dân bản Sapa. Để từ đó hai tiếng “thầy giáo” gắn liền với cuộc đời anh.
|
Thầy giáo Peter và các em học sinh. Ảnh: Mai Phạm. |
Hành trình theo đuổi dạy học tiếng Anh miễn phí
Ban đầu, anh đến Sapa
du lịch để khám phá mảnh đất huyền ảo đầy bí ẩn đắm chìm trong mây mù như sự thưởng thức cái đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây. Nhưng đối lập với niềm vui của anh là hình ảnh những đứa trẻ dân tộc lang thang trong ngày đông giá rét, lạnh buốt bởi trời mưa phùn, chúng ngồi co ro bên mái hiên các cửa hàng hướng đôi mắt tò mò, khao khát nhìn xoáy vào bên trong và bị các chủ cửa hàng đuổi đi vì sợ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ. Cái nhìn của lũ trẻ ấy đã chạm vào trái tim anh, thôi thúc anh mãnh liệt muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ cho các em.
Năm 2011 là năm khởi đầu của lớp học tiếng anh miễn phí đầu tiên ra đời tại quán “cafe peter Sapa” dưới chân núi Hàm Rồng. Đây là hành trang ngoại ngữ cần thiết để các em có vốn liếng là những con chữ để tiếp tục lăn lội, mưu sinh với cuộc sống. Nó giúp ích cho các trẻ em bán những mặt hàng thổ cẩm như những chiếc túi, chiếc vòng, chiếc khăn cho các du khách nước ngoài.
Anh chia sẻ: “Lúc mới thành lập, lớp học tiếng anh miễn phí cho trẻ em Sapa rất khó khăn, lớp học được tổ chức tại quán cà phê dưới chân núi Hàm Rồng (nay chuyển về số 6 Hàm Rồng). Một mình phải cáng đáng tất cả mọi công việc, lại đảm nhận việc giảng dạy chính cho các em. Ở đây, vừa là lớp học, vừa là ngôi nhà tự do cho các em, luôn mở cửa, chào đón bất cứ khi nào các em muốn đến. Tôi bắt đầu thu hút và tập hợp lũ trẻ chính bằng việc mở quán cà phê. Đặt nước cho các em uống tự do, đặt tivi cho các em đến xem thoải mái, để lại đó đồ ăn để khi các em đói có thể tự tìm đến để nhận sự giúp đỡ. Và dạy tiếng Anh để giúp chúng bán hàng tốt hơn. Lớp học đã hình thành như thế”.
Sau đó, anh mở thêm lớp học ở bản Tả Van thu hút hàng trăm em học vào các buổi chiều và tối.
|
Lớp học ở Tả Van. Ảnh: Mai Phạm. |
Đến giữa năm 2014, một cơ sở lớp học tiếng Anh miễn phí tiếp tục được mở ra tại bản Tả Phìn cách Sapa 5km. Tuy cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn, bàn học chỉ là những chiếc bàn tre, ghế gỗ hoặc từ những vật dụng mà các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ. Buổi chiều là lúc các em bắt đầu học lớp tiếng Anh do chính các thầy cô người nước ngoài giảng dạy tình nguyện sang đây một vài tuần để giúp đỡ cho thầy giáo Peter.
|
Lớp học ở Tả Phìn. |
Không phải là những lớp học nhỏ lẻ đơn thuần nữa mà Peter đã xây dựng “Sapa hope center” để tiếp tục duy trì và phát triển hơn lớp học tiếng Anh cho các trẻ em dân tộc này.
Mang niềm vui đến cho đồng bào
Anh là người mang niềm vui đến cho đồng bào, trẻ em và trường học ở vùng rừng núi này quả không ngoa. Hàng năm, anh là cầu nối cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm đem những tấm lòng nhân ái của trong và ngoài nước đến với người dân bản địa. Anh đã và đang vận động, xin giúp cho những đứa trẻ ở đây nhiều học bổng và giúp một số trường tại các bản nghèo của Sa Pa xây dựng những thư viện nhỏ, xin những học bổng để giúp các em được học hành, được phát triển trong môi trường giáo dục. Đối với anh: “Trẻ em dân tộc vốn chịu nhiều thiệt thòi. Chúng rất cần được học hành, được đọc sách báo để có thể mở mang và phát triển tư duy. Đó là cách duy nhất có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng”.
Các tổ chức từ thiện đã quyên góp được hàng trăm nghìn bộ quần áo ấm mùa đông, bút sách, vở, máy tính và cả những bữa cơm từ thiện đến các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Ngày 15/11 vừa qua, đoàn từ thiện của bên Malaysia đã đến trường trung học cơ sở Tả Phìn để trao hàng trăm bộ quần áo ấm, ủng, mũ và những suất quà cho các trẻ em.
|
Đoàn từ thiện đến trao quần áo ấm cho trường Trung học cơ sở Tả Phìn. Ảnh: Mai Phạm. |
Để duy trì sự phát triển của trung tâm theo hướng bền vững thì thầy giáo Peter đã trồng và chăm sóc nhiều hec-ta rau củ quả như: cải mèo, cà rốt, khoai tây, cà chua, cải bắp, dưa chuột, đỗ, chanh… lấy đó là nguồn kinh phí tồn tại. Ngay như người dân ở đầu cầu Hà Nội biết đến trung tâm cũng đã ủng hộ bằng cách mua những rau củ quả sạch đảm bảo an toàn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua nhóm tình nguyện viên An Lạc Đường.
Các thầy cô người nước ngoài đến giảng dạy tiếng Anh cho các trẻ em đều được anh bố trí chỗ ăn nghỉ tại chỗ, sau mỗi giờ học các thầy cô đều cùng các học trò xuống vườn rau tăng gia sản xuất. Không khí trong trung tâm lúc nào cũng vui vẻ, rộn rã tiếng cười.
|
Các thầy cô người nước ngoài chăm sóc vườn sau sạch Sapa. |
Ngoài ra, dự án rau sạch Sapa 14 thử nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế 6 hộ gia đình nghèo dân tộc Sapa trồng rau, củ, quả. Ngôi nhà Quốc tế Sapa Hope Center còn cung cấp miễn phí khoai tây giống, kĩ thuật quốc tế , cấp vốn, cây giống, kĩ thuật, phân bón…, cho 6 hộ gia đình ở xã Sa Pa, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai với mong ước giúp bà con dân tộc miền núi Sapa nâng cao đời sống, giảm đói, giảm nghèo…!
Khi mới bắt tay vào làm công việc là người thầy giáo thầm lặng, anh đã mong ước có thể xây dựng cho lũ trẻ ở Sa Pa một trung tâm cộng đồng, là nơi để tất cả các em bán hàng rong tại đây được đi về, được học hành, được đọc sách, được giúp đỡ khi cần. Và bây giờ mong ước đó dần trở thành hiện thực khi có sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.