Những lời mời gọi chớp nhoáng
Ngay khi vừa có mặt tại một quán nước ở chân cầu Nhật Tân (đầu xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội), PV đã được chị chủ quán nước vui vẻ cười nói: “Xuống xem đất à em?”. Khá bất ngờ và choáng ngợp, PV ngỏ ý muốn đi tìm mua đất ở đây. Ngay lập tức, hai người đàn ông trung niên ở bàn kế bên tới, tự giới thiệu là có thể môi giới một số miếng đất đẹp, giá cả hợp lý. Một trong hai người tên H. ngỏ lời: “Em muốn tìm mua đất để kinh doanh hay để ở”? Sau khi biết khách muốn mua đất để kinh doanh người đàn ông còn lại tên C hối hả nói: “Muốn tìm mảnh rộng bao nhiêu, tầm bao tiền để các anh tính cho, chứ giờ vào trong dân cũng không biết tìm mua đâu em ạ”.
Hai “cò” này đua nhau chia sẻ với PV khá nhiều về những lợi ích đầu tư kinh doanh bất động sản ở đây như một bài thuyết trình đã được nghiền ngẫm và duyệt sẵn nhiều lần: “Mua kinh doanh mà chọn ở đây là đúng rồi đấy em ạ, ở đây nhiều tiềm năng để đầu tư, dễ kiếm lời nhanh mà giờ không sợ rủi ro nữa, sắp lên quận mà em, cứ yên tâm là đất chỉ có tăng chứ không giảm được đâu…” Cứ thế, hai người kẻ tung người hứng, mời gọi khá nhiệt tình và chuyên nghiệp khiến PV khó lòng đứng dậy cho được. Khi khách rời đi, hai người còn không quên cho số điện thoại và dặn dò: “Cứ đi xem thấy chỗ nào ưng thì gọi anh, yên tâm là dễ mua hơn ở các chỗ khác nhiều mà giấy tờ cũng đảm bảo hơn”.
Sau khi đã thấy được sự “manh động” và độ chuyên nghiệp của cánh cò đất, PV quyết định vào trong làng để tìm hiểu thực hư câu chuyện sốt đất ở Đông Anh được đồn thổi nhiều ngày nay từ phía người dân nơi đây. Tại một cửa hàng bán bia trong thôn Vĩnh Thanh (Vĩnh Ngọc, Đông Anh), tiếp tục trong vai người muốn mua đất, PV bất ngờ khi câu chuyện đất đai lại thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, ai cũng tỏ vẻ đầy kinh nghiệm, hiểu biết: “Giá đất thì nhiều loại lắm, ngoài trục đường lớn giờ thấy họ kêu 150-200 triệu đồng/m2 kìa; còn ở trong này cũng phân khu cả, mặt đường rộng cũng phải 80-100 triệu/m2. Ngõ mà rộng hơn 3m ô tô đi lại thoải mái rơi vào tầm 35-45 triệu, còn ngõ hẹp 2 xe máy tránh nhau được cũng phải 25-30 triệu đồng/m2”.
Khi được hỏi tại sao nhiều người rành giá đất quá vậy, chị S. chủ quán cho biết: “Nghe mọi người kháo nhau thế. Thời gian này, giá đất như câu chuyện cửa miệng của người dân Đông Anh, đi đâu cũng nghe kể chuyện về giá đất, sốt đất. Vì thế, để biết giá đất cụ thể như thế nào có khó gì đâu”. Tuy nhiên, chị S. thừa nhận, thông tin giá đất Đông Anh chị chỉ nghe được từ truyền miệng hay giới cò đất, chứ thực sự đất có “sốt” hay không thì chị cũng không biết.
|
Bất động sản Đông Anh thật sự sôi động khi hàng loạt sàn BĐS mọc lên như nấm |
“Cò” đất câu khách bằng cách nào?
Một điều dễ nhận thấy là, trong suốt một ngày trời loanh quanh tại đây, PV không gặp được khách hàng nào có nhu cầu mua đất. Nhưng ngược lại, đội ngũ “cò” thì lại rất đông đảo. Thực tế này đã làm dấy lên câu hỏi: Liệu đất ở Đông Anh có hiếm có khó tìm và giá đất có thật sự “sốt” như những tin đồn gần đây hay không? Hay tất cả chỉ là thông tin một phía từ những người môi giới đất?
Khảo sát tại thôn Kim Ngọc xã Vĩnh Ngọc, PV được một “cò” tên T. cho hay “Giá đất ở quanh đây giờ đắt lắm,các ngõ ô tô đi vào được thì phải 40-60 triệu/m2, còn mấy mảnh 30- 35 triệu đồng/m2 thì ngõ hẹp, xe máy đi vào được thôi”. Sau khi thấy khách thắc mắc về việc giá đất cao quá, người này bắt đầu quảng cáo: “Giờ ở trên họ đầu tư về đây nhiều lắm, quanh đây chuẩn bị xây dựng đô thị thông minh với công viên Kim Quy, ít nữa còn mở cả bệnh viện lớn ở xã bên cạnh nữa nên giá đất tăng như vậy là chuyện bình thường. Năm sau lên quận rồi thì không mua đâu được giá như thế này đâu”.
Để chứng minh những điều mình nói là sự thật, chị T. tiếp tục kể ra những câu chuyện mua bán đất một cách thuần thục “Năm ngoái nhà chị bán mảnh đất có 35 triệu đồng/m2 mặt đường rộng hơn 4m mà sau 1 tháng phải chấp nhận đi mua mảnh khác 40 triệu đồng/m2 mà khổ đường chỉ rộng có 3m, nhưng mà giờ người ta trả 50 triệu chị cũng chưa muốn bán đâu”.
Trong quá trình môi giới đất cho khách, chị này liên tục có những thao tác nghe máy hoặc gọi điện vào những số điện thoại khác nhau để hỏi đất và giá cả. Chốc chốc chuông điện thoại lại được kết nối, chị T. lại “cần mẫn” với những câu nói như đã được tập dượt sẵn nhiều lần trước và nhằm để khách nghe thấy: “Bán rồi à, hết rồi hả” hay “Lên à, lại lên nữa sao, lên thêm một giá hả”.
Sau màn nói chuyện trong điện thoại, “cò” dẫn PV tới 3 mảnh đất khác nhau trong xã. Cũng giống như hai “cò” gặp ở quán nước trước đó, chị T. liên tục lý giải cho khách hàng nghe về thế đất và chuyện lời lãi nếu đầu tư vào, kèm theo những câu nói: “Nếu không mua luôn là sẽ hết chỗ đẹp, mấy nữa giá lại tăng lên là khó mua lắm đấy”. Trước khi ra về, cò mồi tiếp tục dặn dò: “Nếu ưng ý thì bảo chị, muốn đo đạc lại, chị sẽ làm cho. Còn giấy tờ, sổ đỏ thì em yên tâm, đi đến vòng chung kết là sẽ có sổ liền”.
Bằng việc vẽ ra những viễn cảnh màu hồng về Đông Anh sắp lên quận, các dự án hạ tầng “sắp sửa” xây dựng hay đến việc dùng những mánh khóe gọi điện cho người khác để nói về chuyện giá đất đang tăng, nhiều “cò đất” ở đây đều hướng đến mục đích làm cho khách thấy sốt sắng hơn trong việc tìm mua đất. Tuy nhiên, những chiêu trò này chỉ càng làm cho câu chuyện “sốt đất” ở Đông Anh thêm phần khó tin.