Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/1/2017 các tổ chức tín dụng phải thực hiện nâng mức hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 200%.
Và để bảo đảm thực hiện quy định này, các ngân hàng hoặc là phải tăng vốn điều lệ hoặc là giảm và thắt chặt cho vay các gói liên quan đến bất động sản.
Trả lời phóng viên VTC News, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra thì đa phần các ngân hàng đều chọn giải pháp giảm và siết các khoản vay bất động sản để đảm bảo hệ số rủi ro.
|
Nhiều sản phẩm bất động sản tại TP.HCM tăng giá do tác động của thị trường thứ cấp. |
Điều đó sẽ khiến các nhà đầu tư dự án, các nhà kinh doanh thứ cấp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Dòng tiền lưu thông và tính thanh khoản trong thị trường bất động sản, theo quy luật sẽ chững lại. Nhưng kỳ lạ là tại TP.HCM, thị trường bất động sản vẫn diễn ra sôi nổi. Giá các sản phẩm từ bình dân, cao cấp, đất nền... đều tăng khiến nhiều người lo ngại bong bóng bất động sản đang trở lại.
Thông tin của Công ty CBRE Việt Nam cho thấy, giá bán các sản phẩm đều tăng mạnh. Với căn hộ, giá chào bán trung bình đạt 1.595 USD/m2, tăng 6% so với quý 4/2016. Trong đó, so với quý 4/2016, căn hộ tại quận 2 tăng 1,4%, quận 9 tăng 1,9%. Các quận Bình Thạnh, Quận Gò Vấp, quận 12 tăng từ 1,5% - 3%. Giá bán sản phẩm nhà phố, biệt thự xây sẵn tăng từ 16 – 40% (so với quý 4/2016) như tại các phường Thạnh Mỹ Lợi và Bình Trưng Đông, quận 2. Các địa bàn khác như huyện Nhà Bè, Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận 12, giá tăng từ 25%.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, thị trường bất động sản TP.HCM đang có hiện tượng tăng giá ảo, và có nguy cơ tái diễn một đợt bong bóng bất động sản. “Ở thị trường thứ cấp, các nhà môi giới đang tự làm giá, tạo giá ảo và điều này đang ảnh hưởng đến tất cả các phân khúc thị trường” Ông Hiếu nhận định
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cảnh báo, thị trường bất động sản cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng chứng kiến sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp.
Chỉ riêng phân khúc bất động sản cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%. Điều này đã dẫn đến hiện tượng đẩy giá bán, tạo “sốt giá ảo” ở nhiều phân khúc như đất nền ở các quận ven và một số huyện như: Quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…
Còn đối với phân khúc thị trường nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa túi tiền (chiếm đến 2/3 số lượng giao dịch thành công trên thị trường trong quý I/2017) có tính thanh khoản cao, thì "cung" không đủ "cầu". Thị trường bất động sản TP.HCM vẫn chưa phát triển minh bạch, lành mạnh và bền vững.