”Vống lên cho... hấp dẫn”
Ra Hà Nội tìm mua nhà trong ngõ rộng ở bốn quận nội thành cũ để mở rộng kinh doanh, ông Phan Thân (hẻm 174 đường Nguyễn Thiện Thuật - quận 3, TP.HCM) ngao ngán. Trước khi tới xem nhà, ông Thân đều cẩn thận gọi điện thoại hỏi gia chủ xem quảng cáo có đúng thực tế không? Qua điện thoại, phần lớn chủ nhà đều “nổ” hoành tráng về căn nhà của mình, nhưng khi khách tới nơi mới thấy thông điệp “nhà mới, dọn vào ở luôn” chỉ là chiêu “chém gió”. Ông Thân đi xem 10 căn thì đến 8 căn đã trong tình trạng cũ rích, thấm dột be bét. Đường trước nhà “ô tô đỗ cửa” hóa ra chỉ đủ cho hai xe máy tránh nhau. Chưa kể, để đi từ đường lớn vào đến nhà còn phải chui vào mấy con hẻm ngoằn nghèo. Diện tích thông tin quảng cáo mặt bằng 35 - 36m2 trên thực tế “ngót lại” còn vẻn vẹn chưa đến 30m2 và chủ nhà hồn nhiên lý giải: “Đăng vống một chút cho hấp dẫn”… “Họ cố tình không hiểu rằng, họ đăng như vậy sẽ khiến khách cảm thấy như bị lừa! Trong Sài Gòn không có cảnh nói thánh tướng như vậy. Đường trước nhà phải rộng 4 - 5m trở lên mới dám rao “hẻm xe hơi”, tức là ôtô có thể đi qua, dừng đỗ cửa thoải mái”, ông Thân nói.
Với ba tháng lần mò tìm mua nhà 4 - 5 tầng trong ngõ ngách cách nơi cư trú 5km đổ lại, anh Nguyễn Huy Minh (ngõ 132 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng) biết thêm cách phát hiện nhà chung tường - chung móng bằng… mắt và miệng! Đa phần nhà diện này đều có nguồn gốc xây để bán. Ban đầu không có kinh nghiệm, anh Minh phải thuê kỹ sư xây dựng tới xem mới biết chủ nhà nào quảng cáo “láo”. Sau vài lần mất tiền cọc một cách oan uổng nên giờ hễ thấy nhà có sàn các tầng bằng chằn chặn với 2 - 3 căn bên cạnh, mặt tiền na ná nhau, “mất” bản vẽ thiết kế, số mỗi nhà đánh theo kiểu A - B - C…, anh sang hàng xóm sát vách bảo sắp mua để đập đi xây lại cao tầng hơn. Thấy họ quắc mắt, xổ ra một tràng “chung tường - chung móng đấy” là rõ ngay! Anh Minh cho biết, dù thừa nhận mua lại một trong ba căn được chủ gốc xây liền nhau, người phụ nữ xưng tên Linh khăng khăng rằng nhà mình tại ngõ 67 Thái Thịnh (quận Đống Đa) không chung tường với nhà bên cạnh. Vậy nhưng, khi anh Minh sang hỏi dò nhà hàng xóm liền kề thì ngay lập tức biết chủ nhà rao bán đang… “cung cấp thông tin” không chính xác!
|
Ô tô đỗ cửa... nhà hàng xóm. |
Diện tích một đằng, rao một nẻo
Sau khi đọc được tin rao bán nhà trên mạng, anh Dương Thông Phong (Đống Đa, Hà Nội) gọi điện thoại theo số được đăng tải để xác minh về thông tin căn nhà ở ngõ 106, đường Xã Đàn 2 (phường Nam Đồng, quận Đống Đa). Thông tin được chủ nhà đăng tải về căn nhà muốn bán có “6 tầng”, diện tích “36m2” kèm tiện ích “ngõ ôtô đỗ cửa” với giá bán 4,35 tỷ đồng. “Qua điện thoại, chủ nhà một lần nữa khẳng định các thông tin đăng tải là trung thực, tuy nhiên, trên thực tế, cái gọi là “36m2” hóa là ước chừng diện tích tầng 2 trở lên, còn thửa đất trên sổ đỏ chỉ 32,4m2”. Còn trên đường tìm đến địa chỉ được chủ nhà đăng tải, anh Phong phải gọi điện nhiều lần để xin địa chỉ chính xác. Cuối cùng, ngôi nhà nằm... trong ngách 106 ngõ Xã Đàn 2.
Ngoài “chiêu” đăng sai vị trí căn nhà, “chiêu” tung hỏa mù để điều chỉnh diện tích cũng được một số chủ nhà áp dụng. Một chủ nhà cũng ở phố Xã Đàn 2 rao bán căn nhà 5,5 tầng nhưng chỉ trưng cho khách được tấm sổ đỏ ghi với nội dung “nhà mái ngói một tầng rộng 12,9m2”. Với tấm sổ đỏ này, người bán thuyết phục khách mua bằng cách cung cấp thông tin cho rằng hoàn toàn có thể sang tên và thể hiện trên sổ đỏ cho người mua thành... nhà 5,5(?) tầng. Tuy nhiên, khi hai bên bàn về nội dung giấy đặt cọc mua nhà mà bên bán phải cam kết chịu trách nhiệm làm lại sổ đỏ thành nhà 5,5 tầng cho bên mua, ngay lập tức chủ nhà lần lữa và tìm mọi cách thuyết phục người mua với thông điệp “cứ mua nhà xong rồi tự làm cho… tiện(?) Để khẳng định việc làm lại sổ đỏ thành nhà 5,5 tầng “mất tiền là làm được ngay”, ông này nhấn mạnh thêm “dễ thôi chứ không khó khăn đâu, quan trọng là mức tiền” và sẵn sàng cưa đôi chi phí với bên mua… Để tránh rủi ro, chị Đinh Hoàng Phương (Cầu Giấy, Hà Nội), người có ý định mua căn nhà trên đã tham vấn ý kiến luật sư và nhận được câu trả lời là nên tránh những chủ nhà tương tự để đỡ “tiền mất, tật mang”.