Chỉ được cấp nước 30 phút trong 2 ngày
Phản ánh tới báo điện tử Kiến Thức, hàng nghìn người dân đang sinh sống tại khu đô thị Đại Thanh (Hà Đông, Hà Nội) do Doanh nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư cho biết, đang sống trong khốn khổ vì tình trạng mất nước tại đây.
Theo phản ánh của người dân, kể từ tháng 10/2013, sau khi chuyển về khu đô thị Đại Thanh sinh sống, vấn đề nước sinh hoạt đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, việc mất nước sinh hoạt diễn ra ngày càng trầm trọng.
Cụ thể, trong thời gian đầu, khi các tòa chung cư mới được bàn giao cho cư dân chuyển vào sinh sống, việc bị mất nước sinh hoạt chỉ xảy ra cục bộ, trong một khoảng thời gian ngắn mỗi khi hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ. Nhưng từ tháng 3/2014 đến nay, việc thiếu nước sinh hoạt tại Đại Thanh xảy ra thường xuyên hơn, ngay cả khi đường ống nước sạch sông Đà không bị sự cố.
Tình trạng mất nước nghiệm trọng bắt đầu từ tháng 5/2014 đến nay, các tòa CT8-CT10 của Đại Thanh chỉ có nước sinh hoạt theo giờ, với thời gian có nước ngày càng ngắn đi, lưu lượng nước cũng giảm mạnh, chảy nhỏ. Trong số 6 tòa nhà CT8-CT10 hiện nay thì việc thiếu nước tại 2 tòa nhà CT8A và CT8B là trầm trọng nhất.
Nếu như tại thời điểm cuối tháng 4/2014, tại tòa CT8B, thời gian có nước trong ngày vẫn nhiều hơn thời gian mất nước, thì từ đầu tháng 5/2014 đến nay, điều này đã ngược lại.
|
Chung cư Đại Thanh. |
“Ban đầu mỗi ngày còn được bơm nước 3 lần, mỗi lần khoảng 1 giờ liên tục, với lưu lượng đủ dùng cho tất cả các tầng. Nhưng sau đó mỗi ngày chỉ bơm được 2 lần, thời gian rút xuống còn khoảng 30-45 phút, áp lực, lưu lượng nước yếu, có một số tầng không có nước dù các tầng khác đang có. Đỉnh điểm là kể từ ngày 22/5 vừa qua, việc cung cấp nước cho tòa CT8B đã phải chia theo tầng: mỗi ngày bơm 1 lần vào lúc 18h, nhưng mỗi lần bơm như vậy chỉ cung cấp được cho 50% số tầng (phân chia theo độ cao: từ tầng 1 đến tầng 15 có nước thì từ tầng 16 đến tầng 32 sẽ bị khóa van, không có nước. Đến ngày hôm sau thì đảo lại, cung cấp cho các tầng từ 16 đến 32 và khóa van tổng cung cấp cho các tầng từ 1 đến 15. Với cách làm này, mỗi hộ dân phải đợi đến 2 ngày đêm mới được cung cấp nước 1 lần, và mỗi lẫn cũng chỉ có nước 30 phút trong 48 giờ liên tục”, anh Bùi Văn Hợp, đại diện cho các cư dân tại CT8B cho biết.
Anh Nguyễn Hiếu- đại diện cho cư dân tòa CT8A thì cho biết, việc mất nước tại tòa nhà này diễn từ 2 tháng nay. “Sau nhiều lần làm đơn kiến nghị, chúng tôi mới được ban quản lý lắp đặt thêm cho một đường ống mới, song mỗi ngày cũng chỉ được cấp 15-45 phút, thậm chí có hôm không có”, anh Hiếu nói.
Theo anh Hiếu, nguyên nhân mất nước ở đây ngoài yếu tố khách quan của những lần đường ống cấp nước sông Đà, còn có nguyên nhân do ban quản lý và chủ đầu tư điều tiết nước không hợp lý, đặc biệt là việc lắp đặt đường ống nước trong nội mạng có nhiều vấn đề cần phải xem xét.
|
Người dân cho rằng, việc thiết kế đường ống và các bể nước ngầm ở từng tòa của khu đô thị Đại Thanh có nhiều điểm không hợp lý. |
Hàng nghìn người dân khốn khổ vì nước
Việc mất nước nghiêm trọng xảy ra tại Đại Thanh khiến đời sống, sinh hoạt và tâm lý của hàng nghìn cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Ngày nào đi làm về tôi cũng phải rẽ vào nhà người quen tắm nhờ trước khi về nhà vì mất nước. Sống ở khu đô thị hiện đại mà còn khổ hơn cả thời bao cấp ngày xưa”, anh Hợp nói.
Cũng sống trong tình cảnh mất nước, anh Hoàng Tiệp (tầng 15, tòa CT8B) cho biết đã phải sắm 2 thùng chứa lớn từ hơn 1 tháng nay để chứa nước dùng dần, chưa kể tất cả cá loại nồi niêu, xô chậu cũng được gia đình anh huy động để đựng nước. “Ngày nào tôi cũng phải để hai thùng chứa nước đó ở 2 vòi cấp nước và luôn mở sẵn, khi nào có nước thì… hứng luôn. Tôi ngủ không yên vì lo canh nước, có hôm 4, 5h sáng nghe thấy tiếng nước chảy là vùng dậy để chạy đi hứng nước. Nếu không nhanh, chỉ 15-20 phút sau là lại mất”, anh Tiệp cho hay.
Còn gia đình anh Nguyễn Tiến, cư dân tòa CT8B thì khốn khổ vì nhà có 2 con nhỏ mà không có nước sinh hoạt trong thời tiết nắng nóng. “Nhiều hôm các cháu đi vệ sinh còn không có nước để dội”, anh Tiến bức xúc.
|
Cảnh người dân đi hứng nước sinh hoạt giữa đêm tại Đại Thanh. |
Chị Huyền Trang, một cư dân sống ở tòa CT8C đang tính sơ tán về quê vì tình trạng mất nước tại Đại Thanh. “Tôi đang có bầu chuẩn bị sinh em bé, nhu cầu sử dụng nước rất cần thiết, nhưng luôn không có nước sinh hoạt, tôi đang tính phải “sơ tán” về quê thời gian tới”, chị Trang nói.
Điều đáng nói là mặc dù người dân nhiều lần có đơn đơn kiến nghị và làm việc với ban quản lý tới 3 lần, nhưng cho đến nay phía ban quan lý cũng như chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh vẫn chưa đưa ra được giải pháp gì để giải quyết tình trạng mất nước tại đây.
Dân khổ, “quan” đổ lỗi cho nhau
Trong khi người dân sống như tra tấn vì tình trạng mất nước thì các đơn vị có trách nhiệm trong việc này lại đổ lỗi cho nhau mà chưa đưa ra được bất cứ giải pháp cụ thể nào.
Tại buổi làm việc giữa 3 bên mới đây, gồm đại diện cư dân, ban quản lý và Công ty cổ phần kinh doanh nước sạch Hà Nội (Viwaco)- đơn vị cung cấp nước cho khu đô thị Đại Thanh, ông Tô Thế Bình- Phó Ban Quản lý Dự án Đại Thanh thừa nhận, tình trạng mất nước ở Đại Thanh là có thật nhưng cho rằng nguyên nhân chính là do lượng nước cung cấp về khu đô thị chưa đủ. “Cho đến nay BQL đã áp dụng một số biện pháp để xử lý, song do lượng nước về không đủ nên đành bất lực”, ông Bình nói.
Đại diện phía chủ đầu tư, ông Lê Thanh Thản - Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên cũng đổ lỗi cho Viwaco về tình trạng thiếu nước tại Đại Thanh. “Việc thiếu nước này là do Viwaco cung cấp không đủ và việc khắc phục phải do chỗ Viwaco xử lý bằng cách lắp đặt thêm đường nhánh thứ 2 để cung cấp nước cho khu đô thị”, ông Thản nói.
Trong khi đó, đại diện của Viwaco lại khẳng định vẫn cung cấp đủ nước cho khu đô thị này với lưu lượng nước xấp xỉ 1.500m3/ngày, đêm, tức đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho 12.000 người với mức trung bình 130-150 lít/người/ngày.
“Việc mất nước ở khu đô thị Đại Thanh là do sự điều tiết tổng, còn về phía Viwaco, chúng tôi vẫn cung cấp nước bình thường với lưu lượng nước xấp xỉ 1.500m3/ngày, đêm. Nên tìm hiểu ở ban quản lý xem họ điều tiết và phân phối, sử dụng nước ra sao, chúng tôi chỉ biết cung cấp đủ nước qua nguồn tổng”, ông Nguyễn Anh Việt- Giám đốc Viwaco nhấn mạnh.
Cũng theo ông Việt, phía công ty ông cũng rất mệt mỏi vì việc này, do liên tục có nhiều người hỏi, song phải khẳng định, lỗi đầu tiên ở đây là do từ khi xây dựng, chủ đầu tư đã không làm việc với phía Viwaco nên mới dẫn đến tình trạng thiếu, mất nước ở Đại Thanh như hiện nay. “Nói thật, khu đô thị này không có trong danh mục cung cấp nước của chúng tôi ngay từ đầu, bởi mãi đến khi gần xây dựng xong, chủ đầu tư mới đặt vấn đề và thỏa thuận. Chúng tôi cũng đã khắc phục bằng cách chữa cháy cho họ khi lắp đặt thêm nhiều đường nhánh cấp nước, giờ chúng tôi chỉ biết cấp nước, còn việc bơm trong khu đô thị như thế nào là việc của họ”, ông Việt nói thêm.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Khu đô thị Đại Thanh với 6 tòa chung cư và nhiều khu nhà liền kề do Doanh nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. 3 tòa CT8 được khánh thành vào tháng 10/2013. Kế đến 3 tòa CT10 được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 1/2014. Đại Thanh từng gây sốc trên thị trường bất động sản Hà Nội vào tháng 10/2012 khi đại hạ giá chung cư tại đây xuống 10 triệu đồng/m2, mức giá được cho là không tưởng vào thời điểm đó. Các đợt bán trước bắt đầu từ tháng 7/2012, giá căn hộ được chủ đầu tư đưa ra vẫn ở mức từ 14 – 14,7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, kể từ khi làm náo loạn thị trường về giá, Đại Thanh cũng gây không ít sóng gió bởi các vụ việc kiện cáo của cư dân liên quan đến chất lượng công trình, ăn gian diện tích của chủ đầu tư.