Côn trùng “đẻ” ra tiền tỷ
Trang trại Thanh Xuân (Tam Trinh, Hoàng Mai) được mệnh danh là trang trại côn trùng lớn nhất Hà Nội với các sản phẩm côn trùng đông lạnh được xuất đi hàng chục nước và mang về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
|
Tắc kè luôn là loại côn trùng đắt hàng nhất.
|
Hiện tại, trang trại Thanh Xuân nuôi chủ yếu là dế và tắc kè vì hai loại này bán rất chạy. Ngoài ra còn có bò cạp, sâu, bọ xít, ve sầu, kiến, ong... Bà Trần Thị Xuân với hơn 10 năm kinh nghiệm chăn nuôi côn trùng đã không ngại ngần chia sẻ rằng: chi phí nuôi côn trùng thấp vì côn trùng ăn rất ít, chỗ ở làm bằng các vật liệu dễ kiếm như thùng xốp, thùng cacton, lá cây khô, thân cây gỗ... Dế thường ăn các loại rau củ quả và bột cám... Từ lúc nở đến lúc thu hoạch là từ 30 - 35 ngày, 1kg dế chỉ ăn hết 1kg cám và 3kg rau xanh. Dế phát triển qua 4 lần lột xác, đến 60 ngày tuổi dế bắt đầu sinh sản và dế có thể sinh sản quanh năm, mỗi lần dế đẻ vài trăm trứng. Còn tắc kè ăn về ban đêm là chủ yếu, thức ăn của nó là sâu bọ, gián, muỗi, ruồi, nhện... Khi tắc kè được 6 đến 7 tháng tuổi, đạt trọng lượng khoảng 80g trở lên thì bắt đầu đẻ trứng, mỗi tháng đẻ một lần từ 2 đến 5 trứng. Chúng đẻ liên tục trong nhiều năm, trứng bám vào vách tường hoặc thân cây sau 2 đến 3 tháng thì nở.
|
Dế con mới nở ăn rất ít và thích gặm nhấm lá khô. |
Sản phẩm rất dễ tiêu thụ, trứng dế làm giống có giá 50.000/khay hoặc dế thành phẩm với giá buôn từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tắc kè có giá từ 60.000 – 100.000 đồng/con, bọ cạp 350.000/kg, bọ xít 220.000/kg, sâu 160.000/kg... Trang trại Thanh Xuân vừa chăn nuôi, cung cấp giống, thu mua côn trùng và bán buôn các thành phẩm côn trùng đông lạnh, sấy khô, ngâm rượu... Mỗi tháng trại xuất đi 2,5 tấn dế, gần 2 tạ sâu, 7.000 con bọ cạp, 400 con tắc kè... Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các quán nhậu, nhà hàng, khách sạn hoặc cung cấp cho giới nuôi chim cảnh, cá cảnh, gà chọi hay người dân mua lẻ về ngâm rượu, làm món ăn... Không những xuất trong nước mà trang trại của chị còn nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ các nước như: Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Ai Cập, Hàn Quốc...
Bí quyết làm côn trùng đông lạnh
Tuy đã thành món ăn phổ biến và đắt khách nhưng để chế biến côn trùng đông lạnh thì không phải ai cũng biết. Vì thế để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trang trại Thanh Xuân đã cho ra đờicác sản phẩm côn trùng đông lạnh, đã sơ chế sẵn và đóng vào các hộp.
|
Món dế hấp giàu dinh dưỡng, không cholesterol.
|
Bà Xuân cho biết: Làm côn trùng đông lạnh phải thật cẩn thận và tỉ mỉ vì nếu làm không sạch bán cho người tiêu dùng ăn sẽ rất dễ bị dị ứng và dẫn đến mất uy tín cho sản phẩm. Hiện tại, trang trại của bà đang có những sản phẩm bò cạp, rết, dế, sâu đông lạnh được đóng hộp rất tiện dụng, khách hàng chỉ việc rã đông và chế biến thành các món ăn tùy thích.
|
Sản phẩm rết và bọ cạp sau khi được sơ chế và làm đông lạnh. |
Bí quyết để làm côn trùng đông lạnh của trang trại Thanh Xuân khá phức tạp, trước khi thu hoạch chỉ cho côn trùng ăn bột đậu xanh rồi cho chúng nhịn đói sau một ngày để chúng đi hết phân trong ruột, sau đó đem ngâm nước muối loãng một ngày nữa để côn trùng trắng sạch, tiếp theo là cho côn trùng vào hấp diệt khuẩn để không còn mùi hôi. Và cuối cùng là công đoạn phân loại và đóng gói rồi cho vào tủ đông cứng trong 48h. Hầu hết các sản phẩm côn trùng đông lạnh có thể sử dụng được trong vòng 6 tháng.
|
Bà Xuân tự tay chăm sóc cho những con tắc kè mới nở. |
Các sản phẩm côn trùng đông lạnh hiện rất được ưa chuộng tại các nhà hàng và các hệ thống siêu thị trên toàn quốc.