Mời các bạn xem clip Các kỹ thuật sơn nhựa căn bản (Nguồn: Youtube).
Sơn nhà là một bước vô cùng quan trọng để trang trí ngôi nhà của bạn trở nên đẹp và tươi sáng, mới mẻ hơn. Sau đây Kiến Thức giới thiệu các bí quyết giúp bạn có thể tự sơn nhà của mình vừa đẹp, vừa đúng kỹ thuật, lại tiết kiệm vì không cần thuê dịch vụ bên ngoài.
1) Lập kế hoạch và cách thức làm việc
Giai đoạn này chúng ta phải quyết định:
- Xem kỹ lại thiết kế ngôi nhà, sau đó chọn màu sơn, nhãn hiệu sơn, những loại sơn nào cần dùng, sơn chống thấm, sơn ngoài trời, sơn trong nhà, sơn dầu, sơn chống nấm mốc…
- Chọn bột trét phù hợp
- Phác thảo tính toán lượng sơn và các nguyên vật liệu liên quan khác.
|
Ảnh minh họa. |
Chú ý khi chọn nguyên vật liệu:
+ Lớp matít (bột trét) làm phẳng bề mặt cần sơn; các bạn nên chọn loại bột trét tốt (có độ bám dính cao) vì hệ thống sơn sẽ tuỳ thuộc rất nhiều vào chất lượng của lớp bột trét này.
+ Lớp sơn lót vô cùng quan trọng, để ngăn chất kiềm, ẩm ướt trong tường thoát ra ngoài làm hỏng màng sơn bên ngoài. Ở những vị trí quan trọng có độ ẩm cao, thường xuyên ảnh hưởng bởi nguồn nước chúng ta nên chọn loại bột trét có khả năng chống nấm mốc và chống thấm.
+ Lớp sơn ngoài cùng (sơn phủ), yêu cầu phải phù hợp với lớp sơn lót, có màu sắc hài hòa.
2. Cách xử lý tường cũ trước khi sơn mới
Trước khi sơn, tường cần đảm bảo hai yếu tố sau đây: sạch và khô.
Bề mặt sạch là bề mặt không còn bụi bẩn, dầu mỡ, rong rêu, bụi phấn... hay bất kỳ yếu tố nào làm giảm độ bám dính của màng sơn.
Độ ẩm tường cần đạt dưới 16% khi đo bằng máy đo độ ẩm mới phù hợp để thi công.
Trường hợp không có máy đo, nên chờ tường khô từ 3 - 4 tuần kể từ sau khi tô hồ, trong điều kiện thời tiết khô ráo.
Đối với bề mặt hồ vữa mới, bạn chỉ nên tiến hành sơn khi bề mặt hồ vữa đã đạt độ khô cần thiết, độ ẩm dưới 16%. Cụ thể là tường đã được để khô từ 3-4 tuần trong điều kiện bình thường, không mưa. Sau đó bạn thi công theo hệ thống: 2 lớp bột trét + 1 lớp sơn lót và 2 lớp sơn phủ.
Riêng đối với bề mặt tường đã từng sử dụng giấy dán tường, sau khi đã lột bỏ giấy dán tường, bề mặt tường phải được xử lý thật sạch các vết bẩn, keo dán cũ trên bề mặt cũ với dung môi hay giấy nhám. Nếu bề mặt bị lỗ hổng thì phải trám trét lại bằng bột trét, để khô. Xả nhám, vệ sinh thật sạch rồi sơn lại theo hệ thống 1 lớp sơn lót chống kiềm và 2 lớp sơn phủ.
Với tường đã quét vôi, tốt nhất nên xả bỏ lớp vôi cũ (bằng bàn chải sắt hoặc cây sủi), sau đó mới tiến hành vệ sinh bề mặt tường, trét bột rồi sơn.
Nếu không xử lý sạch lớp vôi bên dưới, khi sơn lên thì lớp sơn mới có thể bị bong tróc do lớp vôi bên dưới có độ bám dính kém.
Nếu lớp sơn cũ không còn bám dính tốt thì cần phải xả bỏ hoàn toàn lớp sơn cũ (bằng cây sủi hay bàn chải sắt), sau đó làm vệ sinh sạch bề mặt rồi trét bột, sơn lót chống kiềm và sơn hoàn thiện.
Trường hợp tường vẫn còn lớp sơn cũ bám dính tốt thì chỉ cần làm vệ sinh sạch bề mặt cần sơn, sau đó sơn 1 lớp sơn lót và 2 lớp sơn hoàn thiện.
Để xác định xem lớp sơn cũ có còn bám dính tốt hay không có thể kiểm tra bằng cách sau: Dùng băng keo giấy rộng 1cm dán lên tường một khoảng 20cm sau đó bóc ra. Nếu lớp sơn cũ bị tróc ra nhiều thì độ bám dính không còn tốt. Nếu lớp sơn cũ không tróc hoặc tróc rất ít thì độ bám dính còn tốt, có thể thi công mà không cần xả bỏ lớp sơn cũ.
3. Tiến hành lăn sơn
- Sử dụng con lăn (ruler) hoặc chổi quét để lăn sơn.
- Có thể tạo thêm cán cho con lăn dùng để sơn các vị trí cao.
- Đối với tường thẳng, đẩy con lăn nhẹ nhàng từ thấp lên cao.
- Lượt đi lượt lại nhiều lần, đường đi của con lăn các lớp xen phủ lên nhau.
- Cần lăn nhẹ nhàng để tránh bị “giọt sơn” đọng lại trên tường (rất xấu).
- Lăn sơn lót: Từ 1-2 lớp để tạo độ kết dính cũng như bền màu.
- Lăn sơn màu: Từ 1-2 lớp.
- Khoảng cách giữa các lớp sơn 30 phút đến 2-3h là đẹp.
4. Vệ sinh và dặm vá sau sơn
Bước này cũng không kém phần quan trọng vì là bước hoàn thiện. Trong quá trình thi công sẽ không tránh khỏi những lỗi kỹ thuật, va đập, bụi bám vào bề mặt sơn. Vì vậy, hãy tiến hành kiểm tra rà soát kỹ lưỡng từng vị trí đã thi công. Nếu có vấn đề cần chỉnh sửa lại cho đồng nhất.
5. Những lưu ý cần biết
- Trước khi sơn nhà cần di chuyển hoặc che đậy, bọc các đồ đạc trong nhà để tránh quá trình sơn nhà, bụi bẩn, vết sơn bám dính vào đồ đạc.
- Người sơn nhà phải hết sức cẩn thận, không để giọt sơn bắn vào mắt ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Trong quá trình thi công đặc biệt lưu ý làm việc thận trọng ở những vị trí cao vì rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
- Cần ước lượng nguyên liệu sơn để không bị thiếu hoặc không quá dư thừa dẫn đến lãng phí.