Xuất khẩu tăng hơn 15% trong tháng 7, nhóm tiêu dùng phục hồi

Google News

Trong tháng 7/2024, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu lũy kế năm 2024 đạt 15,7%, cho thấy sự phục hồi tích cực của hoạt động thương mại và vai trò quan trọng của các doanh nghiệp FDI.

Xuat khau tang hon 15% trong thang 7, nhom tieu dung phuc hoi
 SSI Research: Xuất khẩu tăng hơn 15%, lạm phát vọt cao trong tháng 7
Trong báo cáo dữ liệu vĩ mô Việt Nam, SSI Research cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế năm 2024 tăng 8,47%. Số liệu sản xuất công nghiệp trong tháng 6 được điều chỉnh tăng mạnh, với ngành chế biến chế tạo tăng lên 15% so với cùng kỳ, từ mức ước tính là 12,6%.
Các chỉ số sản xuất công nghiệp, PMI và xuất khẩu mới đều mở rộng, cho thấy nhóm doanh nghiệp FDI đang là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời điểm này.
Tăng trưởng xuất khẩu lũy kế năm 2024 đạt 15,7%. Hoạt động thương mại tiếp tục phục hồi tốt với mức tăng trưởng 2 con số trong tháng 7. Nhập khẩu tăng 24,7% so với cùng kỳ, xuất khẩu tăng 19,1%. Các ngành ghi nhận mức tăng trưởng tích cực ở cả chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu như gỗ (+24,4%), điện tử (+22,5%), điện thoại và linh kiện (+19,1%), sản phẩm sắt thép (+19,5%).
Xuat khau tang hon 15% trong thang 7, nhom tieu dung phuc hoi-Hinh-2
 Tổng quan tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam từ năm 2019 đến nay
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ lũy kế 2024 (loại trừ lạm phát) tăng 5,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ theo giá hiện hành tăng 9,4% so với cùng kỳ trong tháng 7 (7 tháng đầu năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do lạm phát cao, mức tăng sau khi loại trừ lạm phát chỉ ở mức 5,2% (7 tháng đầu năm 2023 là 9,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 4,3% nếu đã loại trừ lạm phát, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tiềm năng trước Covid-19. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 13,1%, nhưng lượng khách quốc tế tới Việt Nam đã giảm do yếu tố mùa vụ (trong 7 tháng đầu năm đạt 10 triệu lượt người, tăng 51% so với cùng kỳ và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019).
Đối với khách du lịch nội địa, lượng khách vận chuyển qua đường hàng không giảm mạnh (-29,3% so với cùng kỳ) trong tháng 7, mặc dù đây là tháng cao điểm du lịch nội địa. Điều này cho thấy nhu cầu chi tiêu trong nước vẫn thận trọng.
Tín hiệu tích cực cho nhóm tiêu dùng phục hồi trong nửa cuối năm nay xuất hiện khi nhập khẩu mặt hàng tiêu dùng trong tháng 7 tăng mạnh (khoảng 35% so với cùng kỳ).
Giải ngân vốn FDI trong 7 tháng đầu năm đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ, phần lớn giải ngân vào lĩnh vực chế biến chế tạo (79,5% tổng vốn giải ngân). Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh trong 7 tháng đầu năm đạt 15,7 tỷ USD, tăng 30%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính tổng FDI đăng ký trong năm 2024 (bao gồm đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần) có thể đạt 39-40 tỷ USD (năm 2023 đạt 37 tỷ USD).
Theo Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 7 tháng đầu năm đạt 34,7% kế hoạch, giảm 8,4% so với cùng kỳ do nền tảng cao năm 2023.
Lạm phát tháng 7 tăng (+0,48% so với tháng trước và 4,36% so với cùng kỳ), chủ yếu do việc tăng lương cơ sở đẩy giá bảo hiểm y tế lên gần 30%. Lạm phát bình quân 7 tháng đầu năm vẫn trong tầm kiểm soát (4,12%), với giá nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+5,52%), lương thực (+15,57%), giáo dục (+8,5%), và y tế (+7,22%) góp phần lớn vào CPI.
Tín dụng tăng mạnh trong tháng 6 nhưng đã hạ nhiệt xuống 5,66% vào tháng 7. NHNN sử dụng hoạt động thị trường mở để điều tiết thanh khoản, bơm ròng 44,4 nghìn tỷ đồng nhờ khối lượng tín phiếu đáo hạn lớn. Lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng trung bình lên 4,6%, và các ngân hàng thương mại tích cực tham gia thị trường này (KLGDTB tăng 9,5% so với tháng 6).
Xuat khau tang hon 15% trong thang 7, nhom tieu dung phuc hoi-Hinh-3
Diễn biến tăng trưởng tín dụng lũy kế từ năm 2021 đến nay 
Lãi suất huy động trên thị trường tăng nhẹ ở các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ, đặc biệt ở các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhưng không thay đổi nhiều ở các ngân hàng lớn. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng cho khách hàng vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2021, ở mức 4,5% cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (NHTCPNN), 5,0% cho các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, và 5,8% cho các ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi đã bắt đầu tăng nhẹ từ mức 6,0%-7,0% lên khoảng 7,0%-7,5%. Tuy nhiên, lãi suất cho vay bình quân vẫn chưa có nhiều thay đổi rõ rệt.
Tỷ giá liên ngân hàng và tỷ giá niêm yết của Vietcombank giảm mạnh trong tháng 7, hiện chỉ còn tăng khoảng 4,2% so với cuối năm 2023, nhờ kỳ vọng Fed giảm lãi suất giúp giảm tâm lý đầu cơ trên thị trường. NHNN tổ chức cuộc họp về chính sách ngoại tệ và lãi suất USD, và không có kế hoạch can thiệp, giữ nguyên lãi suất USD ở mức 0%.
Nguồn cung ngoại tệ vẫn tích cực, với cán cân thương mại thặng dư 14 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm và dòng vốn FDI giải ngân đạt 12,5 tỷ USD.
Nhìn chung, mặc dù nền kinh tế Việt Nam ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực, còn nhiều thách thức cần vượt qua. Chính sách điều hành kinh tế linh hoạt và hiệu quả từ Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục là yếu tố then chốt để duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới.
Quỳnh Ái

>> xem thêm

Bình luận(0)