Thêm nhiều đối tác xuất khẩu cà rốt Hải Dương
Những ngày này, người dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) bắt đầu thu hoạch rộ cà rốt. Trên những thửa ruộng lớn từ đồng trong ra đồng ngoài (khu đất bãi ngoài đê sông Thái Bình) tấp nập cảnh nông dân nhổ củ, xén lá, đóng túi, khuân vác lên xe tải đỗ tại ruộng.
"Hơn 3 mẫu cà rốt nhà tôi năm nay khá đẹp, sản lượng ước đạt 1,6-1,8 tấn/sào. Nhiều diện tích mới trồng được hơn 2 tháng đã có thương lái đến đặt mua cả ruộng với giá 8,5-10 triệu đồng/sào, thu lãi hơn 5 triệu đồng/sào", ông Nguyễn Văn Bấc ở thôn Địch Tràng, xã Đức Chính phấn khởi cho biết. Ông Bấc còn hơn 1 mẫu cà rốt trồng ở đồng ngoài củ to, đẹp bán cho đối tác xuất khẩu sang Hàn Quốc với giá 8.000 đồng/kg (đã qua sơ chế, đóng gói), thu về 13-14,5 triệu đồng/sào.
Tại các cơ sở sơ chế cà rốt ở xã Đức Chính có nhiều xe chở container, xe tải cỡ lớn ra vào, đỗ chờ xuống hàng, nhập hàng. Cả xã có 10 cơ sở lớn nhỏ với tổng công suất 300-400 tấn/ngày. Riêng cơ sở của ông Phùng Đức Trung, mỗi ngày sơ chế được 40 tấn. Chủ yếu cà rốt được trồng tại xã và người dân trong xã đi thuê đất ở nơi khác trồng mang về đây.
|
Nông dân xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) thu hoạch cà rốt.
|
"Ngoài các đối tác xuất khẩu như năm ngoái gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và khu vực Trung Đông, năm nay chúng tôi có thêm 2 thị trường mới là Lào và Thái Lan với sản lượng tiêu thụ khá lớn", ông Trung cho biết.
Vụ đông 2023-2024, xã Đức Chính trồng hơn 360 ha cà rốt, chiếm khoảng 70% diện tích cà rốt của huyện Cẩm Giàng. Trong đó có 85 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, còn lại sản xuất theo hướng VietGAP với tổng sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Ngoài ra, người dân Đức Chính đi thuê đất tại các nơi khác trong tỉnh và tỉnh ngoài trồng 1.100 ha với sản lượng ước đạt hơn 40.000 tấn. 80% trong số này được mang về xã để sơ chế, tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính cho biết sản lượng cà rốt vụ này tương đương vụ trước nhưng chất lượng cao hơn, nhất là khâu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài các đối tác cũ, năm nay có thêm 10 đối tác mới, chủ yếu ở nước ngoài đến khảo sát, tìm hiểu và ký hợp đồng thu mua cà rốt.
Đến thời điểm này, người dân xã Đức Chính đã thu hoạch được hơn 50% diện tích, xuất khẩu khoảng 30.000 tấn (gồm cả cà rốt trồng ở nơi khác mang về sơ chế). Trong đó xuất khẩu đi Hàn Quốc hơn 10.000 tấn, Nhật Bản 4.500 tấn. Các thị trường mới như Lào và Thái Lan hơn 10.000 tấn. Các chuyến hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc đều bảo đảm chất lượng, không bị trả lại.
|
Phân loại, sơ chế cà rốt phục vụ xuất khẩu.
|
Hướng đến sản xuất sạch
Để tiếp tục nâng cao chất lượng cà rốt xuất khẩu, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính đã tăng cường tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, tuân thủ quy trình sản xuất sạch từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đến sơ chế, đóng gói, bảo quản. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sinh vật gây hại khi thực sự cần thiết. Đầu tư ứng dụng tưới nước tự động cho toàn bộ diện tích cà rốt. Mở rộng thêm khoảng 20-30 ha diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP vào vụ tới. Đồng thời quy vùng sản xuất những diện tích trồng cùng giống, cùng thời điểm để phân công cán bộ kỹ thuật giám sát toàn bộ quá trình canh tác.
Ngoài giống cà rốt TI-103 được trồng chủ yếu trong những năm gần đây, hợp tác xã cũng đang trồng thử nghiệm một số giống mới. Nếu đạt năng suất, chất lượng cao hơn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn và có tính ổn định thì sẽ sớm đưa vào trồng nhân rộng trong các vụ tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, cà rốt có nhiều tiềm năng phát triển nhờ thị trường tiêu thụ rộng lớn. Hiện 70% cà rốt của Hải Dương được trồng để xuất khẩu, một phần nhỏ tiêu thụ trong tỉnh, còn lại là thị trường trong nước.
Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường xuất khẩu cho cây trồng chủ lực này, các địa phương trồng cà rốt ở Hải Dương nói chung và xã Đức Chính nói riêng cần tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Chỉ xác nhận nguồn gốc cà rốt phục vụ xuất khẩu được sản xuất tại địa bàn và chịu trách nhiệm liên quan đến truy xuất nguồn gốc.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Dương cũng đã lấy mẫu cà rốt phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với các ruộng trước khi thu hoạch ở xã Đức Chính, nhất là các đơn hàng xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc và đưa ra các biện pháp hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hiệu quả bảo đảm sản phẩm cà rốt đạt chất lượng xuất khẩu.