Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, mới đây, Coteccons khẳng định có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Coteccons nợ Ricons 323 tỷ đồng
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons đề cập đến khoản nợ từ cổ đông lớn là tổ chức, khẳng định rằng việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ là không phù hợp với tinh thần hợp tác và trách nhiệm của cổ đông lớn.
Ban điều hành Ricons cho biết đã nhiều lần gửi công văn đề nghị thanh toán và sắp xếp cuộc họp thảo luận trên tinh thần tôn trọng các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả khả quan.
Cổ đông lớn là tổ chức mà Ricons đề cập là Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã: CTD). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của Coteccons, doanh nghiệp này có khoản phải trả người bán ngắn hạn đối với Ricons là gần 323 tỷ đồng tại thời điểm ngày 31/3/2023, trong tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Đồng thời, Coteccons cũng đang sở hữu 14,3% cổ phần của Ricons (tổng giá trị hơn 301,6 tỷ đồng).
“Tương tự như các đối tác khác, khi đối tác không có thiện chí và sự hợp tác, không tôn trọng cam kết dẫn đến khoản công nợ kéo dài thì Ricons buộc lòng phải có các biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”, đại diện Ricons nói tại đại hội cổ đông 2023.
Bức tranh tài chính của Ricons thế nào?
Được biết, Ricons có tiền thân là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia, từng là doanh nghiệp trong "hệ sinh thái Coteccons", được thành lập năm 2004, khi ông Nguyễn Bá Dương còn là Chủ tịch Coteccons. Sau cuộc chiến thượng tầng tại Coteccons, ông Dương từ nhiệm, Ricons cũng tuyên bố độc lập, xây dựng hệ sinh thái riêng.
|
Xây dựng Ricons làm ăn sao trước tranh chấp với Coteccon? (ảnh minh họa: Internet). |
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán cho thấy, Ricons ghi nhận hơn 11.384 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ các hợp đồng xây dựng đóng góp gần 11.218 tỷ đồng, cũng tăng xấp xỉ 41%. Tuy nhiên, mức tăng giá vốn có phần nhỉnh hơn khiến lãi gộp của công ty giảm 12%, còn 206 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính và lợi nhuận khác lần lượt tăng 97% và 19%, lên 73 tỷ đồng và 23 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận tăng chủ yếu do Ricons thực hiện hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành gần 15 tỷ đồng. Kết quả, Ricons lãi ròng gần 91 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 13% so với năm trước.
Đáng chú ý, nợ phải trả và lãi vay của Ricons tăng khá mạnh trong năm 2022. Cụ thể, nợ phải trả của Ricons tăng mạnh 49%, lên 5.785 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gấp hơn 3 lần đầu năm, ghi nhận gần 754 tỷ đồng, toàn bộ đều là các khoản vay ngân hàng. Chi phí lãi vay của công ty tăng vọt từ hơn 1,4 tỷ đồng lên gần 24 tỷ đồng vào cuối năm. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến nợ phải trả tăng chủ yếu nằm ở giá trị khoản mục phải trả người bán ngắn hạn tăng 56%, lên 3.496 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023, Ricons có 945 nhân viên, tổng tài sản gần 7.177 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số đầu năm. Nợ phải trả của Ricons là 4.753 tỷ đồng, gấp đôi so với vốn chủ sở hữu chỉ vỏn vẹn 2.423 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, doanh thu của Ricons đạt 1.718 tỷ đồng, , giảm 14% so với cùng kỳ do 2 mảng cốt lõi đều suy yếu: Doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 1.699 tỷ đồng, giảm 12%; doanh thu hoạt động bất động sản đầu tư đạt 16 tỷ đồng, giảm 78%. Chi phí tài chính tăng gấp 3 lần dẫn đến Ricons báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 13,6 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, Ricons lãi sau thuế 15,4 tỷ đồng giảm mạnh so với con số 20 tỷ đồng quý I/2022. Dòng tiền kinh doanh quý I/2023 của Ricons âm gần 126 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả.
Năm 2023, Ricons dự kiến doanh thu thuần 6.000 tỷ đồng và lãi ròng 50 tỷ đồng, lần lượt giảm 47% và 45% so với kết quả năm 2022. Trong thông điệp gửi đến cổ đông, Chủ tịch HĐQT Ricons, ông Nguyễn Sỹ Công cho biết, năm 2023, ngành xây dựng và bất động sản của Việt Nam được dự báo sẽ bước vào một chu kỳ khủng hoảng mới với nhiều rủi ro mang tính toàn diện, khó lường. Trong hoàn cảnh này, có thể nói, Ricons đang đối diện với những thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập tới nay, đặc biệt là về nguồn việc mới và dòng tiền…
Mới đây, Ricons thông báo bất thường về việc một cổ đông ngoại nắm 1.26% vốn đổi tên. Cụ thể, cổ đông ngoại thay đổi thông tin là Luminous VietNam and Indochina Growth Master Fund đang sở hữu 1.26% vốn tại Ricons. Tên thương mại trước đó là Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund.
Ngoài ra, Ricons còn có 7 cổ đông ngoại khác gồm: Daiwa-Ssiam Vietnam Growth Fund II L.P sở hữu 1,3%, Rewas Holdings Limited 7,25%, Trosky Benjamin L 0,03%, David Hanibal Edington 0,45%, Douglas Craig Andrew 0,04%, Clement Chin Yeung Loh 0,09% và Okuda Mami 0,01%. Tổng cộng 8 cổ đông ngoại đang sở hữu tỷ lệ 11,42% vốn tại Ricons. Tính tới thời điểm hiện tại, Ricons có vốn điều lệ gần 400 tỷ đồng.