Nông sản tồn kho rất lớn
Theo số liệu Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) công bố tại Hội nghị trực tuyến “Chương trình hành động và giải pháp trong đại dịch COVID-19”, tổng lượng hàng nông sản tồn kho lên tới 48.200 tấn, giá trị thiệt hại ước tính trên 410 tỷ đồng.
VIDA cho biết, kết quả rà soát này được thực hiện với 50 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến và thương mại xuất khẩu nông sản vào cuối tháng 3 vừa qua.
Đáng chú ý, có 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định có thiệt hại kinh tế đáng kể do dịch bệnh COVID-19 khiến. Tỷ lệ sụt giảm doanh thu quý I/2020 trung bình giảm 30-50%, cá biệt một số doanh nghiệp giảm tới 70% doanh thu so với giai đoạn trước dịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đang phải đối diện với áp lực về tài chính, lãi vay trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn phải duy trì các chi phí cố định nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, lượng hàng tồn lớn dẫn tới tăng chi phí lưu kho bãi, chi phí bảo quản.
|
Mặt hàng nông sản, thủy sản tồn kho khá lớn vì dịch COVID-19 |
Cũng theo VIDA, các doanh nghiệp đang khó khăn trong vấn đề tiêu thụ nông sản. Cụ thể, tại thị trường Trung Quốc (một trong những thị trường lớn của nông sản Việt) đã bị đình trệ suốt quý I/2020 do dịch bệnh. Từ nửa cuối tháng 3 đến nay, thị trường này mới có dấu hiệu phục hồi với hàng xuất khẩu đường bộ qua một số cửa khẩu khu vực phía Bắc.
Thêm nữa, đối tác yêu cầu hủy hoặc hoãn đơn hàng xuất khẩu vì nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh, một số nước hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong khi nguyên liệu thực phẩm là các mặt hàng nhanh hết hạn, cận date, có nguy cơ phải hủy bỏ nếu hết date và chậm tiêu thụ.
Dịch COVID-19 gây ra sự sụt giảm lượng khách hàng tiêu dùng chủ chốt của doanh nghiệp là khách du lịch nước ngoài, bếp ăn, nhà hàng, khách sạn... Một số doanh nghiệp nhỏ chỉ tiêu thụ được 30% nông sản thu hoạch hàng ngày nhưng chưa được trang bị tủ bảo ôn và tủ đông để cấp đông sản phẩm, do đó số lượng hàng thối hỏng chiếm đến 50-60% sản lượng.
Chủ tịch Hiệp hội VIDA Trương Gia Bình cho rằng, dịch COVID-19 không đơn giản và không thể kết thúc nhanh chóng. Đây là khủng hoảng nhân loại chưa từng gặp phải.
Theo ông, doanh nghiệp phải đối diện với dịch bệnh này, nhưng vấn đề nguy hiểm và lớn hơn nhiều đó là “virus sợ hãi” được lan truyền mạnh mẽ trên mạng. Con “virus sợ hãi” này sẽ khiến con người sinh tâm trạng u buồn, cố thủ, rút nhu cầu tiêu dùng của cả nhân loại.
Nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng cao
Song, ông Trương Gia Bình cũng đánh giá đây là cơ hội của ngành nông nghiệp Việt Nam nếu có giải pháp thông minh, sáng tạo, có ý chí, bản lĩnh thì không chỉ duy trì được sản xuất mà còn có vị trí mới. Ông Bình cho rằng, mỗi thành viên VIDA phải làm tốt những gì đã có, mỗi người phải trở thành một chiến sỹ, mỗi công ty, đơn vị phải trở thành pháo đài chống virus, đưa đến người tiêu dùng các sản phẩm một cách thuận lợi và mở rộng xuất khẩu, chiếm vị thế quan trọng hơn trong thời gian dịch bệnh.
Nếu thực hiện tốt còn thể giải quyết công ăn việc làm cho các ngành khác đang gặp rất nhiều khó khăn như du lịch, may mặc, giày dép, ông chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang, phân tích, mọi người có thể không mua ô tô trong 10 năm, không mua quần áo trong 3 năm nhưng không thể không ăn uống trong 3 ngày. Dù khó khăn nhưng đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
|
Theo các chuyên gia, dịch COVID-19 là cơ hội cho ngành nông nghiệp nếu có những biện pháp thích ứng tốt |
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, tiết lộ, để biến được nguy thành cơ, một trong những giải pháp quan trọng là tái cơ cấu doanh nghiệp từ hệ thống phần mềm, đến hệ thống quản trị phải thật đơn giản, ít người nhưng quản lý hiệu quả, áp dụng triệt để công nghệ thông tin, chuyển sang làm việc online.
Đặc biệt, công ty đẩy mạnh đa dạng hóa nhiều thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ, Trung Đông; tập trung vào các khách hàng vừa và nhỏ... Chính vì vậy, đợt dịch này công ty không lo lắng về chuyện bị hủy đơn hàng như nhiều đơn vị khác, vấn đề thanh toán cũng được hỗ trợ rất nhiều.
Với đặc thù làm việc trực tiếp cùng nông dân, xuất khẩu chiếm tới 99% sản lượng, tập đoàn đã có nhiều cải tiến như xây dựng nhà máy ở các tỉnh, thành để đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ xuất khẩu. Các bộ phận bị ảnh hưởng do dịch, tập đoàn ngưng hoạt động, chuyển người lao động về trang trại.
“Chuẩn bị cho cả hệ thống tốt nên khi dịch xảy ra, nông sản của bà con vẫn được doanh nghiệp thu mua đều đặn, có đến đâu thu mua tới đó, không bị tồn đọng. Tại các nhà máy, 3 tháng đầu năm, chúng tôi còn phải làm tăng ca để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu. Mức xuất khẩu nhờ đó tăng trưởng 120% trong giai đoạn dịch COVID-19”, ông chia sẻ.
Cũng theo ông Thông, nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh lần này. Tuy nhiên, đây cũng là cú hích để tái cơ cấu, minh bạch thông tin, đa dạng hoá thị trường. Khi làm được 2 việc này, dù gặp khủng hoảng thì khách hàng vẫn sẽ tin tưởng đặt hàng, ngân hàng cũng dễ dàng cho vay vốn hơn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận, dù cả đầu vào và đầu ra đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song trong quý I/2020, sản lượng của Nafoods vẫn tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông, đó là nhờ hàng loạt giải pháp như thổi sự tự tin, tinh thần vượt qua “virus sợ hãi”, động viên sự sáng tạo của từng thành viên trong hệ thống; gửi thư cho khách hàng chia sẻ, thấu hiểu, yên tâm với doanh nghiệp, sát sao với bà con nông dân, nhà cung cấp nguyên liệu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn sắp xếp lại toàn tập đoàn, cho nghỉ bớt lao động không được việc, đồng thời có chính sách lương, thưởng tốt cho người còn lại để họ yên tâm công tác, làm việc một cách hiệu quả nhất.
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về vốn, theo ông Hùng cần phải gỡ khó về vấn đề tiếp cận vốn vay để DN cùng nhau vượt qua khủng hoảng.